Các giải pháp công nghệ phát triển năng lượng bền vững

Theo ông Jim Vono - Tổng giám đốc GE Power Services khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang tìm kiếm các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu suất các nhà máy nhiệt điện và GE hoàn toàn có thể giải quyết những yêu cầu này.

Ông Jim Vono

PV: Được biết, GE đã thực hiện thành công nhiều giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động nhiều nhà máy nhiệt điện trên thế giới. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

Ông Jim Vono: Tại Nhật, GE đã triển khai các giải pháp nâng cao sản lượng điện cũng như mức độ khả dụng của Nhà máy điện chu trình hỗn hợp Chiba, thuộc Tổng công ty Thép JFE. Dự án gồm các thành phần như, nâng cấp tuabin khí, trang bị thêm tuabin hơi nước áp suất thấp, quản lý trọn đời tuabin và hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo trì, vận hành (O&M) trong vòng 15 năm. Dự kiến, công suất Nhà máy sẽ tăng thêm 60 MW, đồng thời sẽ cải thiện mức độ khả dụng và tăng chu kỳ bảo dưỡng các tuabin.

Tại Malaysia, chúng tôi cũng đã tiến hành sửa chữa và nâng cấp thiết bị cho Nhà máy điện chu trình hỗn hợp Kimanis Sabah trong vòng 18 năm. Hợp đồng với SPR Energy gồm, thực hiện các giải pháp quản lý hiệu suất sử dụng tài sản, cải thiện khả năng hiển thị, độ tin cậy và tính khả dụng của thiết bị. Bên cạnh đó, thời gian giữa các chu kỳ bảo dưỡng thiết bị kéo dài hơn, từ 12.000 giờ lên đến 32.000 giờ. Qua đó, đã khẳng định được tính hiệu quả của các dịch vụ sửa chữa và nâng cấp thiết bị do GE cung cấp.

PV: Liệu các giải pháp này có phù hợp với Việt Nam trong điều kiện nhu cầu năng lượng ngày càng tăng?

Ông Jim Vono: Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trên 6% và sản lượng điện tăng trung bình trên 10%/ năm. 

Để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng cao, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã đặt mục tiêu nâng tổng công suất các nhà máy điện lên khoảng 60.000 MW vào năm 2020 và 129.500 MW vào năm 2030.

Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi các nhà máy nhiệt điện mới chưa kịp đưa vào vận hành, một số nhà máy đang hoạt động lại thiếu ổn định và hiệu suất chưa cao, nguồn nhiên liệu hóa thạch cũng ngày càng cạn kiệt.

Vì vậy, việc nâng cấp các nhà máy nhiệt điện than và nhiệt điện khí đang hoạt động sẽ góp phần nâng hiệu suất hoạt động các tổ máy thêm 3% và nâng cao độ khả dụng lên 8%. Từ đó có thể giảm 6 tỷ USD chi phí nhiên liệu, giảm chi phí đầu tư, bảo trì trong suốt vòng đời của nhà máy, trong điều kiện tuổi thọ trung bình của các nhà máy nhiệt điện than là 18 năm và nhà máy nhiệt điện khí là 15 năm.

PV: Tuy nhiên, các nhà máy điện tại Việt Nam lại rất đa dạng về chủng loại thiết bị. GE sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?

Ông Jim Vono: Trước hết, chúng tôi sẽ thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, đánh giá một cách tổng thể hiệu quả hoạt động của các nhà máy nhiệt điện. Dựa trên kết quả thu thập được, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch nâng cấp các thiết bị trong nhà máy, giảm chi phí, nâng cao hiệu suất sử dụng và giảm phát thải khí. GE gọi quá trình này là đổi mới và hiện đại hóa - giống như cách cải tạo ngôi nhà đã được xây dựng cách đây hơn 30 năm.

Đơn cử, một nhà máy nhiệt điện cũ có 6 thiết bị khí đốt đang hoạt động với hiệu suất thấp hơn 50%. Nếu chúng tôi thay 6 thiết bị này chỉ bằng một tuabin khí 9FA, nhà máy sẽ có thể sản xuất lượng điện năng tăng thêm 10% so với trước khi thay thế. Để nhà máy vận hành tốt hơn nữa, GE có thể sử dụng công nghệ tận dụng khai thác và hợp lý hóa những giá trị tốt nhất của các thiết bị cũ, góp phần giảm chi phí bảo trì cũng như tăng thời gian hoạt động giữa chu kì bảo dưỡng.

Đối với thiết bị không phải của GE, các dịch vụ sửa chữa và nâng cấp có thể tiến hành với hơn 90 nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) trên toàn thế giới, tạo ra một danh mục giải pháp toàn diện cho tất cả thiết bị trong nhà máy. 

Vì vậy, có thể khẳng định, với hơn 230 năm kinh nghiệm về nâng cấp các nhà máy nhiệt điện cũ, chúng tôi hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề của các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam.

PV: Một trong những rào cản đối với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở Việt Nam là thủ tục pháp lý. GE sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Jim Vono: Kinh doanh ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều có khó khăn, thách thức riêng. Tuy nhiên, GE đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các đối tác tại Việt Nam cũng như đã cung cấp một số thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn có đủ khả năng và kinh nghiệm giải quyết các thủ tục theo trình tự pháp lý. Mục tiêu quan trọng nhất mà GE hướng tới, là mang lại hiệu quả hoạt động cho khách hàng, từ việc vận hành các nhà máy, bao gồm, lợi ích thương mại và bảo vệ môi trường sống xung quanh các nhà máy nhiệt điện.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 07/12/2017 04:19
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 9981