Gỡ vướng mắc cho lưới điện 220 kV đấu nối Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông

Công trình lưới điện 220 kV đấu nối Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh đưa vào danh mục các dự án cấp bách, với mục tiêu đóng điện và vận hành trong tháng 12/2016.

Ngày 21/9, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan để tìm hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ, giải phóng mặt bằng phục vụ công trình lưới điện 220 kV đấu nối Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông.

Công trình lưới điện 220 kV đấu nối Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh đưa vào danh mục các dự án cấp bách, với mục tiêu xây dựng, hoàn thành, đóng điện và đưa vào vận hành trong tháng 12/2016.

Công trình được thiết kế có quy mô 3 tuyến đường dây 220 kV mạch kép, tổng chiều dài 12,61km với 37 vị trí móng cột, tổng mức đầu tư 131 tỷ đồng đi qua địa bàn xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp).

Trong quá trình triển khai, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia) đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan và UBND huyện Đắk R’lấp thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ đất đai, tài sản gắn liền trên đất bị thu hồi vĩnh viễn với 26 hộ dân ảnh hưởng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai đã phát sinh một số vướng mắc nên hiện nay, mới bàn giao được 10/37 vị trí trụ móng; 27 vị trí trụ móng còn lại chưa bàn giao được vì liên quan đến 18 nhà, công trình của người dân chưa thỏa thuận được phương án đền bù.

Bên cạnh đó, toàn hành lang tuyến cũng có 108 hộ ảnh hưởng hiện đã kiểm kê xong nhưng vẫn vướng mắc trong công tác thỏa thuận hỗ trợ, đền bù.

Trong phạm vi hành lang an toàn, có 90 nhà, công trình xây dựng, trong đó có khoảng 71 nhà, công trình xây dựng trái phép trong hành lang tuyến với diện tích rất lớn nhằm mục đích trục lợi từ ngân sách nhà nước.

Theo các đơn vị liên quan, đối với những hộ nằm trong diện đưa vào phương án hỗ trợ, đền bù nhưng do người dân không đồng thuận khung giá đền bù một số cây trồng như cà phê, hồ tiêu. Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp mặc dù xây dựng nhà, vật kiến trúc trái phép, sau thời điểm 1/7/2004 hoặc sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng vẫn chây ỳ, đòi được đền bù, hỗ trợ, không chịu tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng.

Ngoài ra, để xảy ra những phát sinh đã nêu một phần còn do công tác phối hợp giữa chủ đầu tư và địa phương chưa thực sự chặt chẽ, kịp thời; việc quản lý, nắm bắt tình hình dân cư, xây dựng nhà cửa ở địa phương còn những bất cập…

Sau khi nghe các đơn vị, địa phương báo cáo, kiến nghị, đề xuất, ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị UBND huyện Đắk R’lấp, xã Nhân Cơ tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác vận động quần chúng; rà soát và xác định chính xác thời điểm xây dựng nhà của từng trường hợp cụ thể để sớm hoàn thiện phương án đền bù, hỗ trợ đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho người dân.

Đối với những trường hợp khi đã xác định đủ chứng cứ về xây dựng nhà, công trình trái phép với động cơ trục lợi, giao cho Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Đắk R'lấp lập chuyên án điều tra, kiên quyết xử lý theo pháp luật để đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh trong quản lý nhà nước, tránh tình trạng tạo tiền lệ không tốt cho những dự án sau này.

Đối với khung giá đền bù, đây là khung giá chung đã được UBND tỉnh phê duyệt nên các đơn vị phải làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu từ đó đồng thuận chứ không thể áp dụng mỗi nơi mỗi kiểu giá.

Đây là dự án quan trọng để phục vụ Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông nên các cấp, ngành phải thống nhất cao về định hướng tuyên truyền, vận động, phương án thực hiện với quyết tâm cao. Huyện Đắk R'lấp thành lập tổ cán bộ chuyên trách để tập trung nhiệm vụ này, sớm kịp thời bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ cam kết.


  • 23/09/2016 10:14
  • Theo TTXVN
  • 8291