Năm 2017: Có đủ điện cho miền Nam?

Dự báo, năm 2017, phụ tải khu vực phía Nam sẽ tăng khoảng 12,78% so với năm 2016. Làm thế nào để đảm bảo cung cấp đủ điện trong khi khu vực này chưa thể tự cân đối được nguồn điện? PV Thế giới điện ghi lại ý kiến của một số đơn vị liên quan.

Tổng giám đốc EVNNPT Vũ Ngọc Minh

Ông Vũ Ngọc Minh - Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT): 

Ưu tiên bố trí vốn xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2

Năm 2017, hệ thống lưới truyền tải điện Bắc – Nam tiếp tục giữ vai trò quan trọng, đặc biệt phải đảm bảo tiếp nhận khoảng 20 tỷ kWh từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. 

Vì vậy, EVNNPT yêu cầu các đơn vị bằng mọi giá phải đảm bảo vận hành an toàn đường dây 500 kV Bắc - Nam và hệ thống đường dây 220 kV đấu nối với các nhà máy điện. Trong năm 2016, EVNNPT đã trang bị hệ thống giám sát dầu online tại tất cả các MBA 500 kV và các kháng điện 500 kV, giảm thời gian cắt điện sửa chữa và theo dõi chất lượng thiết bị.

Dự kiến năm 2017, EVNNPT sẽ tiếp tục lắp đặt hệ thống định vị xác định sự cố trên đường dây 500 kV và 220 kV nối nguồn, từ đó, kịp thời khắc phục sự cố một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, công tác sửa chữa lớn tuyệt đối không được tiến hành trong cao điểm cấp điện miền Nam vào quý II và quý III/2017. 

Hiện nay, giới hạn truyền tải trên giao diện Bắc – Trung bị hạn chế, chỉ truyền tải được khoảng 2.200 MW. Về lâu dài, hệ thống lưới điện Bắc – Nam sẽ khó đảm bảo được các tiêu chuẩn kỹ thuật và vận hành ổn định nếu tiếp tục phải truyền tải điện cao từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Nếu tuyến đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng – Quảng Trạch – Dốc Sỏi – Pleiku 2 kịp đưa vào vận hành cuối năm 2018 - đầu năm 2019, sẽ tăng cường năng lực truyền tải cho miền Nam. 

Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, việc thu xếp vốn nước ngoài để triển khai công trình ngay trong năm 2017 là không khả thi. Xác định đây là công trình trọng điểm cấp bách, EVNNPT đã ưu tiên sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Tổng công ty và vốn vay thương mại trong nước. Mục tiêu là đưa công trình vào vận hành cuối năm 2018, tăng cường năng lực truyền tải điện cho miền Nam từ năm 2019.

Tổng giám đốc EVNGENCO 3 Đinh Quốc Lâm

Ông Đinh Quốc Lâm - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3): 

Phối hợp chặt chẽ với nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4

Năm 2017, sản lượng điện sản xuất của EVNGENCO 3 dự kiến đạt khoảng 36,6 tỷ kWh, tăng 9,12% so với 2016 và chiếm khoảng 29% tổng phụ tải khu vực miền Nam. Trong khi đó, Trung tâm Điện lực Phú Mỹ có rất nhiều công trình sửa chữa lớn. Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 mặc dù sản xuất đạt 7,1 tỷ kWh trong năm 2016, nhưng là nhà máy mới nên khó có thể ổn định sản xuất liên tục trong khoảng 3 – 5 năm đầu. 

Đối với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, hiện nay, EVNGENCO 3 đang tích cực làm việc với nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị tiếp nhận vận hành Nhà máy cũng được khẩn trương tiến hành. Mục tiêu đặt ra, Nhà máy sẽ đốt dầu lần đầu vào tháng 3/2017, hòa lưới lần đầu vào tháng 5/2017 và đưa vào vận hành trước tháng 12/2017, bổ sung nguồn điện cho miền Nam.

Với Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, Tổng công ty cũng đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện theo đúng tiến độ trong hợp đồng. Bên cạnh đó, EVNGENCO 3 còn chủ động nghiên cứu, xúc tiến đầu tư các dự án nhiệt điện khí LNG và các dự án điện mặt trời.

Phó Tổng giám đốc EVNSPC Nguyễn Phước Đức

Ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC): 

Khai thác tối đa các nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn

Dự báo công suất khả dụng lớn nhất trong năm 2017 của Tổng công ty khoảng 9.916 MW, tăng 14% so với năm 2016. Nhu cầu tiêu thụ điện dự báo sẽ tăng liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 3 – tháng 6/2017. 

Hiện nay, nguồn điện phía Nam còn thiếu và chưa ổn định, dự phòng công suất ở mức thấp và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối cung cầu tại một số thời điểm trong năm. Bên cạnh đó, một số khu vực như Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, lưới điện đang hoạt động trong tình trạng đầy tải. Vấn đề đặt ra là phải đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào vận hành các TBA 220 kV Cần Thơ, Tây Ninh 2, máy T2 Đức Hòa… 

Đồng thời, xây dựng kế hoạch cung cấp điện trong trường hợp hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn; sử dụng mọi giải pháp giảm tỷ lệ điện tự dùng. 

Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ chủ động khai thác tối đa công suất từ các nguồn thủy điện nhỏ trên địa bàn như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng và Tây Ninh. 


  • 03/03/2017 02:06
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 13643