Trên công trường mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim: Mưa xối xả nhưng không giảm tinh thần

Thời tiết Lâm Đồng vào những tháng cuối năm thường có mưa kéo dài. Nhưng với cán bộ, công nhân tham gia xây dựng công trình mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, thời tiết khắc nghiệt không thể làm họ giảm tinh thần lao động hăng say trên công trường.

Từ 5h sáng đến 14h chiều

5 giờ sáng, nhận được tin nhắn của cán bộ truyền thông Công ty CP Thủy Điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi: “Trời không mưa, tranh thủ vào công trường…”, chúng tôi vội vàng ra xe, lên công trường. 

Trên đường đến với khu vực đang thi công các hạng mục hầm áp lực, tháp điều áp, nhà van và đường ống áp lực, anh lái xe Ban quản lý Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim cảnh báo, vì đường sình lầy, có những nơi bùn cao gần nửa mét, nên xe dừng cách công trường gần 1 km, sau đó mọi người phải đi bộ vào công trường. Quả đúng là như vậy. Chỉ những xe tải nặng chuyên đi đường núi, có bánh cao ngang ngực và lái xe có kinh nghiệm mới vào được công trường… Sau hơn 30 phút đi bộ, lội bùn, chúng tôi mới đến được công trường thi công.

Hơn 6 giờ sáng, tiếng máy chạy, tiếng chuyển động của các xe tải xen lẫn tiếng cười nói rôm rả của các tốp công nhân vào ca đã xóa tan không gian tĩnh lặng buổi sáng sớm của núi rừng Tây Nguyên.

Không khí lao động hối hả, khẩn trương trên  công trường

Ông Nguyễn Xuân Cần - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng 47 - Đơn vị thực hiện xây dựng các hạng mục: hầm áp lực, tháp điều áp, nhà van… cho biết, thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, có hôm mưa từ sáng đến tối, mưa kéo dài liên miên làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. 

Để đảm bảo tiến độ thi công, đồng thời tránh những trận mưa, đơn vị đã bố trí cho công nhân đi làm sớm và nghỉ sớm, một ngày làm việc thường bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 14 giờ chiều, lúc cơn mưa bắt đầu và kéo dài đến đêm. “Việc làm này cũng để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho lực lượng cán bộ, công nhân trên công trường, cũng là đảm bảo tiến độ thi công Dự án”, ông Nguyễn Xuân Cần bổ sung.

Chúng tôi đến khu vực khoan nổ mìn mở cửa hầm áp lực. Lúc này, trời lại lắc rắc mưa, buổi sáng ở Tây Nguyên có vẻ lạnh hơn. Anh Nguyễn Tấn Lực (34 tuổi, quê Bình Định), công nhân sửa chữa thiết bị của Công ty CP Xây dựng 47 đang cùng đồng nghiệp lắp đường ống dẫn nước vào máy khoan nhồi mìn phá đá. Anh Lực cho biết, mọi người đều cố gắng hoàn thành tốt nhất phần việc của mình, mong rằng công trình hoàn thành đúng tiến độ. Những hôm mưa lớn, để nước không tràn vào vị trí công tác, đơn vị phải sử dụng bạt che mưa, đồng thời bên dưới, máy bơm cũng phải hoạt động hết công suất... 

Cao điểm của công trình

Ông Lưu Thế Biểu – Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim cho biết, dù gặp khó khăn về thời tiết và khí hậu,  nhưng đến thời điểm này, những hạng mục thi công của Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim đều đảm bảo đúng tiến độ. Hiện nay, khối lượng đào đất đã hoàn thành, đơn vị đang bước vào thi công hạng mục quan trọng nhất là: Đào đường hầm áp lực, dài gần 5 km, đường kính khoảng 3,9 mét, trong đó hơn 4,6 km sẽ được đào bằng máy khoan với công nghệ TBM (Tunel Boring Machine).

Theo ông Biểu, đường hầm áp lực là một trong những hạng mục quan trọng và khó khăn nhất của Dự án, phải thi công trên diện tích thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, nơi có địa hình dốc, đất đá cứng đã là một thử thách lớn, nhưng đào một đường hầm mới ngay bên cạnh đường hầm cũ đang vận hành còn khó khăn gấp bội phần đối với nhà thầu, chủ đầu tư cũng như đơn vị tư vấn.

Thời tiết khắc nghiệt, nhưng công nhân vẫn hăng say lao động trên công trường

Ông Nguyễn Xuân Cần – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng 47 cho biết, việc lựa chọn công nghệ TBM đã được nhà thầu, chủ đầu tư dự án, đơn vị tư vấn giám sát tính toán rất chi tiết và cẩn trọng. Đây là công nghệ hiện đại được nhiều nước trên thế giới sử dụng trong đào hầm đá như thế này. Mỗi tháng, thiết bị TBM đào được 500 mét, năng suất cao gấp nhiều lần so với phương pháp khoan nổ mìn truyền thống (chỉ đào được 80 mét/tháng). Nhưng quan trọng là thiết bị này không làm ảnh hưởng đến độ an toàn của hầm hiện hữu đang vận hành.

Ông Nguyễn Xuân Cần chia sẻ, dự án Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng là công trình thứ 3 tại Việt Nam thi công sử dụng máy khoan TBM. Trước đó, Nhà máy Thủy điện Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng) và công trình Thủy điện Thượng Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã sử dụng công nghệ này. Đơn vị đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thành 200 mét hầm dẫn nước trong vòng 2 tháng rưỡi và máy khoan TBM sẽ được đưa sử dụng khi hết mùa mưa.

Ông T.Hashiguchi - Đại diện đơn vị tư vấn giám sát của Nhật Bản cho biết, đến thời điểm này, Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim luôn đạt yêu cầu về tiến độ, thực hiện nghiêm ngặt các quy chuẩn và an toàn trong thi công. Thời gian tới, các hạng mục thi công chính như đường hầm áp lực, đường ống áp lực… sẽ phức tạp hơn, nên đơn vị tư vấn giám sát sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa, cùng chủ đầu tư và các đơn vị nhà thầu, đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong thi công. 

Chúng tôi rời công trường khi mưa chiều bắt đầu xối xả. Bỗng tôi chợt nhớ đến lời tâm sự chân thành của Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim: “Những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, khó khăn vẫn còn ở phía trước. Nhưng với sự nỗ lực lớn, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đang từng ngày, từng giờ cố gắng hoàn thành các hạng mục, đưa dự án về đích đúng hẹn”. 


  • 15/11/2016 09:26
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 8468