Trước nghi vấn cho rằng việc thủ đô Hà Nội ngập lụt là do xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình, ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng thông tin này không chính xác, gây hoang mang dư luận.
“Nước lên không phải do xả lũ hồ Hòa Bình, hiện nay hồ Hòa Bình đóng toàn bộ các cửa xả, đây là tình huống do mưa ở rừng ngang và từ trên núi đổ về. Đây là tình huống đặc biệt nhưng không phải tình huống bất thường, bởi năm ngoái đã xảy ra, năm nay lại tiếp tục xảy ra” – ông Hoài khẳng định.
Phân tích nguyên nhân nước lũ dâng cao tràn qua đê tả Bùi ở Chương Mỹ, Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, về nguyên nhân gây ngập, trước hết là do mưa to với cường độ lớn, lũ tập trung nhanh. Do vậy, mưa lũ lên cao và uy hiếp các đê cấp 4. Tuy là đê cấp 4 nhưng phạm vi ảnh hưởng rất lớn.
“Vấn đề thứ hai là có ý kiến cho rằng, khả năng thoát nước của các sông chính kém. Sông Bùi đổ ra sông Tích, sông Tích dẫn ra sông Đáy. Do vậy, khả năng thoát nước sông Bùi phụ thuộc vào khả năng thoát nước của sông Đáy. Tuy nhiên, sông Đáy là đổ ra sông Hồng qua sông Đào, sông Đáy còn đổ ra sông Hoàng Long (Ninh Bình). Có thể đợt lũ hôm qua do lũ ở ven đường Hồ Chí Minh đổ xuống, đổ ra các sông qua Ninh Bình và đổ ra sông Đáy. Chúng tôi cho rằng, một phần lũ ở sông Hoàng Long dâng cao nên cửa thoát của sông Đáy bị hạn chế” – Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, có một vấn đề nữa là trong quá trình phát triển, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông, làm giảm khả năng thoát lũ. Việc này không chỉ xảy ra ở sông Bùi mà ở nhiều sông khác trên cả nước.
Để khắc phục tình trạng ngập lụt tại các điểm trũng ở Hà Nội, Thứ trướng Hoàng Văn Thắng cho hay, thành phố cần tiếp tục củng cố lại hệ thống hạ tầng thoát lũ. Thành phố cũng phải nhận dạng lại những nơi trũng thấp, những nơi đê thấp để củng cố lại.
Đặc biệt là phải kiểm tra lại hướng thoát lũ, những chỗ gây cản trở dòng chảy, và phải lồng ghép phòng chống thiên tai vào hoạt động quản lý đất, xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. Làm đường phải tính tới thoát nước, xây khu đô thị cũng phải tính tới thoát nước.
Nhà sập ven sông Đà: Bác bỏ nguyên nhân Thủy điện Hòa Bình xả lũ
Từ tối 30/7, nhiều ngôi nhà ở phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình) có hiện tượng nứt trượt rồi sụt xuống sông Đà. Đến sáng nay (31/7), ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến, cho hay 6 ngôi nhà trên địa bàn bị thiệt hại, đổ sập xuống.
Trao đổi với phóng viên sáng 31/7, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, thông tin nguyên nhân cụ thể chưa được xác định. Tuy nhiên, ông Sơn phủ nhận nguyên nhân Thuỷ điện Hoà Bình đóng cửa xả, nước ở hạ lưu rút nhanh kéo theo nhiều đất đá khiến nhà dân bị sạt trượt.
"Thuỷ điện mở hoặc đóng cửa xả từ từ, chứ không ào ào như người dân nghĩ. Việc lưu lượng nước đổ xuống hạ du tăng hoặc rút đột ngột là không có", vị này nhấn mạnh.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai phân tích, trong gần một tháng qua, khu vực tỉnh Hoà Bình có lượng mưa lớn, kéo dài nên đất đá ở bờ sông, bờ suối bị xói mòn, bở rời. Mực nước sông lên xuống ảnh hưởng không đáng kể tới những ngôi nhà ven sông.
Đưa ra phương án ứng phó tiếp theo, ông Sơn cho rằng chính quyền địa phương cần theo dõi diễn biến sạt trượt thường xuyên, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm bởi đây là khu vực rủi ro cao.
"Nhà chức trách cần đánh giá tổng thể, cân nhắc có nên cho người dân quay trở lại sinh hoạt hay kiên quyết di dời để đảm bảo an toàn", ông nói thêm.
Trước đó, Thuỷ điện Hoà Bình mở 4 cửa xả đáy và đóng tất cả các cửa xả vào 10h ngày 30/7. Mực nước trên các sông đang xuống dần, cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh.
Do dải hội tụ nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển về phía bắc và tiếp tục suy yếu, trong ngày và đêm nay ở các tỉnh trung du và vùng núi Bắc Bộ còn có mưa, mưa vừa, riêng khu Đông Bắc và Việt Bắc có nơi mưa to và dông, cần đề phòng tố, lốc và gió giật mạnh.