Cụ thể, liên quan đến lưới điện 110 kV, đã xảy ra 12 sự cố, tăng 9 vụ so với cùng kỳ năm 2015. Đối với lưới điện 22 kV xảy ra 37 sự cố, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2015 và gây ra 10 vụ tai nạn điện làm 3 người chết và 10 người bị thương.
Hàng lang an toàn thường bị xâm phạm
Ông Dương Văn Vị - Trưởng Ban An toàn EVNSPC phân tích, nguyên nhân dẫn đến các sự cố và gây tai nạn là do người dân chặt cây ngoài hành lang; thả diều, bong bóng, kim tuyến; phương tiện giao thông va chạm vào dây, trụ điện; phương tiện cơ giới thi công; lắp đặt ăn ten, giàn giáo, biển hiệu; xây dựng, cải tạo nhà, công trình; đốt cỏ, rác; thi công cáp quang…
Một số địa phương có số vụ vi phạm an toàn lưới điện dẫn đến sự cố và tai nạn điện trong dân khá cao như Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp… Báo cáo của Công ty Điện lực Bình Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, trên toàn tỉnh Bình Dương xảy ra 9 vụ sự cố lưới điện cao áp do vi phạm hành lang an toàn lưới điện, nâng tổng số vụ phát sinh lên 114 vụ.
Phương tiện cơ giới vi phạm hành lang an toàn lưới điện ở Cao Lãnh (Đồng Tháp)
|
Ông Hồ Minh Quang – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho biết, cùng thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra 4 trường hợp phương tiện cơ giới vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp dẫn đến sự cố lưới điện.
Cùng với các vụ vi phạm tai nạn an toàn lưới điện, các tai nạn điện khác cũng diễn ra khá phổ biến. “Tai nạn điện trong dân chủ yếu xảy ra trên lưới điện do khách hàng quản lý như dây dẫn sau điện kế, sử dụng và sửa chữa thiết bị điện trong sinh hoạt, sản xuất” ông Nguyễn Văn Tư - Phó GĐ Công ty Điện lực Đồng Tháp nói, đồng thời cho biết, năm 2015, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra 24 vụ tai nạn điện trong dân làm 20 người chết và 5 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do các hộ dân sử dụng môtơ điện bị chạm chập (10 vụ), dây dẫn phía sau điện kế không an toàn (8 vụ) và bất cẩn trong sử dụng điện (5 vụ)…
Nguy cơ xảy ra sự cố rất cao
Theo ông Vị, hiện trạng lưới điện còn tồn tại nhiều bất cập, khiếm khuyết nên xác suất xảy ra sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp rất cao. Một số tuyến đường dây 110kV đi qua khu vực trồng cây cao su xây dựng trước đây có khoảng cách pha đất (khoảng 7m) thấp hơn nhiều so với chiều cao cây cao su. Lưới điện 22kV đi qua khu vực đông dân cư, khu vực trồng nhiều cây xanh đa phần sử dụng dây trần. Một số vị trí đường dây cao áp giao chéo với đường bộ chưa bảo đảm khoảng tĩnh không theo quy định. Cáp thông tin, cáp viễn thông, lưới điện hạ áp khách hàng treo trên trụ điện lực (đặc biệt tại các vị trí vượt đường giao thông) chưa đảm bảo khoảng cách pha đất theo quy định.
Trong khi đó, tình trạng công trình, nhà ở phát sinh chưa đủ điều kiện tồn tại trong hành lang an toàn lưới điện cao áp vẫn còn xảy ra, nhưng các đơn vị chưa biện pháp ngăn chặn, chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương cũng như thực hiện các giải pháp cải tạo lưới điện để xử lý dứt điểm đối với các trường hợp này.
Chưa kể, tại một số địa phương còn có chủ trương trồng cây trong hành lang an toàn lưới điện cao áp của các tuyến đường dây 22kV gây khó khăn cho công tác vận hành lưới điện.
Ông Dương Văn Vị cho biết, các đơn vị trực thuộc EVNSPC đã triển khai thực hiện chương trình giảm sự cố lưới điện và củng cố hành lang an toàn lưới điện cao áp. Các giải pháp gồm:
- Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp các cấp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên;
- Phân công nhân viên quản lý và kiểm tra hàng lang lưới điện;
- Phát quang cây xanh trong và ngoài hành lang;
- Phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm, xử lý biển hiệu và biển quảng cáo, ăng ten ti vi… có nguy cơ ngã đổ vào lưới điện,
- Vận động người dân chặt tỉa cây xanh ngoài hành lang;
- Tuyên truyền về an toàn điện và bảo vệ công trình lưới điện cao áp...
|