Bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, bão Kompasu di chuyển nhanh

Chiều 10/10, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7 đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định và tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp. Trong khi đó, cơn bão có tên quốc tế Kompasu có thể vào Biển Đông trong đêm 11/10, trở thành cơn bão số 8.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp sáng 10/10

Đây là tình huống thiên tai nguy hiểm liên tiếp, trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp ở một số địa phương. Chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về công tác ứng phó với bão số 7 và bão số 8 vào sáng 10/10,  Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kịch bản ứng phó với bão, lũ liên tiếp trong 10 ngày tới và tuyệt đối không được chủ quan.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 7 kết hợp với không khí lạnh, nên khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá tiếp tục có mưa to đến rất to, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. 

Trong khi đó, ngoài khơi phía Bắc Philippin đã xuất hiện cơn bão Kompasu, khoảng đêm 11/10 đến sáng 12/10 đi vào Bắc biển Đông và trở thành cơn bão số 8. Dự báo, đây là một cơn bão mạnh khi ở trên biển (cấp 10-11), di chuyển nhanh (25km/h) và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ trong khoảng ngày 13-14/10 và có thể gây ra một đợt mưa lớn cho các khu vực này trong giai đoạn 13-15/10.

Sau đó, ngày 16-17/10, sẽ tiếp tục xuất hiện một áp thấp nhiệt đới hoặc bão khác trên Biển Đông.

Để chủ động ứng phó với bão số 7, trong thời gian qua, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng sẵn sàng ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống. Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo bão, mưa lũ phục vụ công tác chỉ đạo; nhận định tình hình bão, mưa lũ diễn biến phức tạp trong 10 ngày tới. Bộ NN&PTNT chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, đê điều, hồ chứa và thu hoạch lúa đã đến thời kỳ thu hoạch.

Bộ Công Thương, cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, thực hiện theo đúng quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa và đơn hồ chứa; chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị sẵn sàng; phương án đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, khôi phục hệ thống điện nếu có mưa bão tác động.

Tính đến 9h sáng 10/10, dung tích phòng lũ còn lại của các hồ chứa thủy điện của EVN trong khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn còn rất lớn - khoảng 6,45 tỷ m3. Lưới điện truyền tải và phân phối vẫn vận hành bình thường.

Tình hình mưa sau bão vẫn còn tiếp diễn, EVN và các đơn vị vẫn thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến cũng như sẵn sàng tập trung nhân lực, thiết bị, phương tiện để xử lý sự cố điện do ảnh hưởng của bão, mưa lũ.

Xem Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày 10/10/2021 về việc chủ động ứng phó với bão, mưa lũ tại đây.


  • 10/10/2021 03:00
  • Trần Hiếu
  • 9863