Cảnh báo tai nạn điện trong nuôi tôm

Mặc dù ngành Điện đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, nhưng do chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt khi sử dụng điện trong nuôi tôm công nghiệp đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn điện rất thương tâm.

Nguy cơ rình rập

Tháng 2/2017, tại xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) xảy ra vụ tai nạn điện làm anh Đặng Minh N. chết tại chỗ. Nguyên nhân, khi lắp đặt quạt chạy oxy cho ao tôm, anh N. vô tình chạm vào dây dẫn điện bị tróc vỏ. Tháng 7 vừa qua, ông Trần Văn Nhỏ (xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) cũng bị điện giật tử vong do vô tình chạm vào vỏ mô-tơ khi xuống ao lấy máy cho tôm ăn.

Ông Đoàn Chí Dũng - Trưởng Ban An toàn, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, việc người dân ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… chủ quan khi lắp đặt, sử dụng điện trong nuôi tôm đã dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm. Riêng tỉnh Sóc Trăng, 7 tháng đầu năm 2017, đã xảy ra 18 vụ tai nạn điện, trong đó có tới 12 vụ liên quan đến khu vực nuôi tôm.

Kết quả khảo sát cho thấy, người dân thường sử dụng vật tư, thiết bị kém chất lượng làm đường dẫn điện ra ao nuôi tôm. Cụ thể, nhiều dây điện kéo từ bình hạ thế hoặc từ đồng hồ điện trong nhà đến các ao nuôi tôm rất dài, nhưng không có cột xi măng hoặc cột gỗ chắc chắn mà chỉ sử dụng gỗ tạp hoặc treo trên cây xanh, không có sứ cách điện. Nhiều nơi, dây điện còn treo lòng thòng trên đầu người, thậm chí rải dây điện trên mặt đất dọc theo bờ ao tôm. Dây điện cũng không được kiểm tra, thay thế kịp thời khi bị bong tróc vỏ bọc, có nơi lõi dây đồng lộ ra ngoài… 

Nguy hiểm hơn, nhiều hộ gia đình chỉ sử dụng điện bằng một dây nóng, còn dây nguội được dẫn xuống đất để tiết kiệm chi phí. Mối nối giữa các dây điện không được quấn băng cách điện, rất nguy hiểm nếu vô tình chạm vào. Đa số các hộ nuôi tôm sử dụng mô-tơ kém chất lượng và khi lắp đặt không sử dụng dây nối đất an toàn. Mô-tơ để ở nơi ẩm thấp, không được che chắn, bảo quản nên dễ bị hư hỏng, rò điện. Hơn nữa, cầu dao cắt điện ở quá xa, việc ngắt điện khi xảy ra sự cố hoặc tại nạn không kịp thời…

Để bảo vệ tính mạng và sức khỏe chính mình và người thân, các hộ gia đình nuôi tôm cần nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, hiệu quả

Cần một chế tài xử phạt đủ sức răn đe 

Thời gian qua, để nâng cao ý thức về an toàn điện trong nuôi tôm, các đơn vị thuộc EVNSPC đã tích cực đi sâu tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Nội dung và hình thức tuyên truyền rất đa dạng, phong phú; làm rõ nguyên nhân vi phạm cũng như mức độ nghiêm trọng khi sử dụng điện không an toàn. Ngành Điện cũng phối hợp với chính quyền các cấp lồng ghép giới thiệu về kĩ thuật an toàn điện trong các buổi họp tổ dân phố, khu phố; nhân rộng các gương điển hình về sử dụng điện an toàn trong nuôi tôm… 

Theo ông Nguyễn Văn Hợp - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNSPC, ngoài việc tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm sử dụng điện an toàn. Vì vậy, EVNSPC đã phối hợp với Sở Công Thương, kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn điện.

Thời gian tới, trong quá trình khảo sát cấp điện và thực hiện hợp đồng mua bán điện, các công ty điện lực cũng yêu cầu khách hàng ký cam kết sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. 

Tuy nhiên, nếu chỉ có sự vào cuộc của ngành Điện và chính quyền địa phương thì chưa đủ. Để giảm tai nạn điện hiệu quả, vai trò của người dân vô cùng quan trọng. Người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng điện an toàn, hiệu quả, đúng các hướng dẫn của ngành Điện khi kéo điện ra các ao tôm. 


  • 05/01/2018 10:32
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 524618