Cổ phần hóa EVNGENCO 3: Hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược

Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN, nhu cầu điện của Việt Nam đã ở mức cao trong nhiều năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng hơn 10%/năm trong thời gian tới. Cùng với sự hồi phục của thị trường chứng khoán, đây chính là cơ hội để các nhà đầu tư tham gia vào ngành Điện nói chung và Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) nói riêng.

Vị thế hàng đầu… 

Tại buổi Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào Tổng công ty Phát điện 3 EVNGENCO 3, ông Đinh Quang Tri nhận định, qua 5 năm xây dựng và phát triển, EVNGENCO 3 luôn khẳng định vai trò, vị thế là đơn vị phát điện hàng đầu của EVN. Tổng công ty có quy mô công suất lớn thứ 2 trên thị trường phát điện Việt Nam - chỉ sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện do EVNGENCO 3 quản lý lên tới 6.304 MW, tương đương 16% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh đó, EVNGENCO 3 còn có công nghệ phát điện rất đa dạng (tua-bin khí, nhiệt điện than, thủy điện), có khả năng tham gia thị trường điện một cách linh hoạt.

Chia sẻ về chính sách đầu tư, ông Barry Weisblatt - Giám đốc Bộ phận phân tích đầu tư Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital) - đơn vị nằm trong liên doanh tư vấn cổ phần hóa cho EVNGENCO 3 cho rằng, EVNGENCO 3 có các nhà máy điện chủ lực gồm: Tổ hợp Điện khí Phú Mỹ, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Mông Dương 1, Thủy điện Buôn Kuốp… nằm gần các trung tâm phụ tải miền Nam và miền Bắc. Trong đó, gần 50% công suất của EVNGENCO 3 nằm trong tam giác kinh tế phía Nam - khu vực luôn có nhu cầu phụ tải cao. Với lợi thế đó, các nhà máy điện của EVNGENCO 3 đã phát huy hết khả năng của mình, không phải truyền tải điện đi xa, đảm bảo cấp điện cho khu vực có nhu cầu năng lượng lớn của cả nước.  

Đặc biệt, các nhà máy điện thuộc EVNGENCO 3 có lợi thế lớn về giá, khi tham gia thị trường điện phát điện cạnh tranh. Cụ thể, chi phí sản xuất của các nhà máy khí Phú Mỹ thấp hơn khoảng 10,3% so với các nhà máy khí cùng khu vực. Giá điện hợp đồng của Phú Mỹ thấp hơn khoảng 33% so với giá trên thị trường điện cạnh tranh dành cho các nhà máy khí. Hay Thủy điện Buôn Kốp, giá bán điện theo hợp đồng của Nhà máy cũng thấp hơn tới 45% so với giá thị trường.

Ông Barry Weisblatt cũng cho biết: EVNGENCO 3 còn có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, năng lực quản trị tiên tiến. Đây là lợi thế giúp EVNGENCO 3 kịp thích ứng với những thay đổi trên thị trường điện, tạo nền tảng phát triển vững chắc trong tương lai.

Trong năm 2018, ngoài nhiệm vụ sản xuất điện, EVNGENCO3 dự kiến sẽ khởi công 2 dự án điện mặt trời, đồng thời triển khai các thủ tục đầu tư Dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn, sử dụng khí hóa lỏng (LNG) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là hướng đầu tư thể hiện sự nhanh nhạy của lãnh đạo EVNGENCO 3 trong lúc Chính phủ đang khuyến khích phát triển các nguồn điện mới, nhất là là năng lượng tái tạo.

EVNGENCO 3 có công suất phát điện đứng thứ 2 Việt Nam - chỉ sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Phương án cổ phần hóa có sức thu hút các nhà đầu tư chiến lược

Theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 2100/QĐ-TTg ngày 27/12/2017), EVNGENCO 3 cổ phần hóa theo hình thức giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Trong đó, có hơn 749.124.000 cổ phần (36% vốn điều lệ) dành bán cho nhà đầu tư chiến lược. 

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn- Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Đào tạo và Tư vấn Biên An Toàn, việc sở hữu cổ phần  EVNGENCO3 - doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong các tổng công ty phát điện sẽ đem lại các lợi ích đặc biệt cho đối tác chiến lược. Theo ước tính, thông thường, nếu phát triển một nhà máy điện cỡ lớn ở Việt Nam cần từ 1,5 - 2 tỷ USD và phải thông qua hàng loạt các thủ tục, thì nay chỉ cần khoảng 500 triệu USD, các nhà đầu tư đã có thể tham gia sở hữu một doanh nghiệp có 6 nhà máy điện với đa dạng cơ cấu nguồn.

Đặc biệt, sau phiên IPO ngày 9/2, số cổ phần không bán hết ra công chúng sẽ được tiếp tục bán cho đối tác chiến lược, cho phép nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư chiến lược lên tới gần 46% vốn điều lệ. Ông Huỳnh Minh Tuấn nhận định, phương án này rất hấp dẫn, bởi việc sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn cho phép nhà đầu tư chiến lược nắm quyền cao hơn, dễ dàng cùng với EVNGENCO3 phát triển các nhà máy điện trong tương lai.

EVN sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019. Từ năm 2020, trong trường hợp tái cơ cấu được các khoản nợ và đảm phán được với các tổ chức tín dụng cho vay, EVN sẽ xem xét thoái vốn góp tại EVNGENCO 3 xuống dưới mức chi phối. Việc triển khai phương án cổ phần hóa được kỳ vọng sẽ, tạo điều kiện để EVNGENCO 3 có thể vay vốn đầu tư các dự án điện mới, phục vụ các chiến lược phát triển lâu dài của Tổng công ty. 

Ngày 21/3/21018, cổ phiếu EVNGENCO 3 chính thức giao dịch trên sàn UPCoM.

Mã chứng khoán: PGV.

Loại chứng khoán: Cổ phần phổ thông.

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên: 24.800 đồng/cổ phần.

Số lượng giao dịch trên thị trường: 7,1 triệu cổ phiếu.

Kết quả SXKD của EVNGENCO 3 năm 2017

Sản lượng điện: Gần 33 tỷ kWh, chiếm khoảng 17% sản lượng điện toàn quốc.

Doanh thu ước tính: Khoảng 34.632 tỷ đồng. 

Lợi nhuận thu được từ sản xuất điện: Khoảng 1.276 tỷ đồng, bằng 218,7% kế hoạch.

 


  • 23/04/2018 10:23
  • Theo TCDL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 12239