Giảm TTĐN trên lưới điện phân phối: Bắt đầu từ các công ty điện lực

Giảm tổn thất điện năng (TTĐN) luôn được các công ty điện lực xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất - kinh doanh điện năng. Tuy nhiên, do đặc thù của địa phương, mỗi đơn vị đã có cách làm riêng phù hợp, mang lại hiệu quả tốt nhất.

Ông Trần Minh Dũng

Ông Trần Minh Dũng - Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam (PC Hà Nam):

Gắn chỉ tiêu thực hiện TTĐN với trách nhiệm người đứng đầu

Kết thúc năm 2016, tỉ lệ TTĐN của PC Hà Nam là 6,59%. Mặc dù đã giảm 0,01% so với kế hoạch được giao và giảm 0,78% so với năm 2015, nhưng nhìn chung, tỉ lệ TTĐN của Công ty vẫn còn khá cao.

Nguyên nhân là vẫn còn tồn tại các trạm biến áp đầy tải, quá tải, hiện tượng điện áp thấp vào giờ cao điểm, do phụ tải tăng đột biến ở một số khu vực vào mùa nắng nóng; nhiều đường dây vẫn thường xuyên vận hành quá tải, đường dây dài, vận hành lâu năm, chất lượng dây dẫn đã xuống cấp... Mặc dù hầu hết các đường dây trung thế trên địa bàn Tỉnh đã có liên kết mạch vòng, tuy nhiên do lưới điện trung thế chủ yếu là mạng hình tia, có tiết diện dây dẫn nhỏ, đường dây vận hành lâu năm, nên không có khả năng mang tải hỗ trợ nhau...

Trong năm 2017, PC Hà Nam quyết tâm đưa tỉ lệ TTĐN giảm xuống dưới 6%. Để đạt được mục tiêu này, Công ty sẽ quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ kĩ thuật vận hành đến các giải pháp quản lý. Đặc biệt, Công ty sẽ gắn trách nhiệm thực hiện chỉ tiêu TTĐN cho từng giám đốc điện lực trực thuộc, các trưởng phòng kinh doanh và kỹ thuật...

Hàng tháng, Công ty sẽ tập trung phân tích, đánh giá kết quả TTĐN của từng đường dây trung áp, TBA công cộng, từ đó, có giải pháp cụ thể, thiết thực, giảm TTĐN trong thời gian tiếp theo. 

Đối với các điện lực trực thuộc, hàng quý phải đưa ra các giải pháp cụ thể, giảm TTĐN cho 6 TBA công cộng và 1-2 đường dây trung thế; trong đó chú trọng đến kiểm tra, theo dõi thông số vận hành hàng tháng đối với các đường dây trung áp có tổn thất lớn hơn 7%. 

Năm 2017, PC Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào giảm TTĐN. Cụ thể, lắp đặt thiết bị đo xa đối với công tơ tổng TBA công cộng, phục vụ quản lý TTĐN và giám sát từ xa thông số vận hành các TBA; tiếp tục thay thế khoảng 10.000 công tơ cơ 1 pha bằng công tơ điện tử 1 giá đo xa tại Điện lực Phủ Lý; khai thác tối đa hệ thống đo xa tại công tơ tổng TBA đã lắp đặt, từ đó xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện cân pha, san tải các TBA công cộng...

Với những giải pháp quyết liệt, PC Hà Nam quyết tâm sẽ hoàn thành chỉ tiêu về TTĐN. 

 

Ông Thái Hồng Quân

Ông Thái Hồng Quân - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình): 

Chú trọng đầu tư xây dựng

Công tác giảm TTĐN luôn được PC Quảng Bình lấy làm nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong năm 2016, do ảnh hưởng của thiên tai với bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là ảnh hưởng của vụ xả thải của Nhà máy Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh) gây mất một lượng lớn sản lượng điện thương phẩm, làm tăng tỷ lệ TTĐN của Công ty. 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể cán bộ công nhân viên, PC Quảng Bình đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu với tỷ lệ TTĐN đạt 6,69% (kế hoạch EVN giao 6,7%). Có được kết quả trên, Công ty đặc biệt chú trọng công tác đầu tư - xây dựng, trong đó lựa chọn công trình đầu tư có hiệu quả, cải tạo lưới điện nhằm giảm nhanh tỷ lệ TTĐN. Riêng năm 2016, Công ty đã thực hiện 22 công trình với tổng giá trị 151,394 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty thực hiện thay thế 85 máy biến áp có chất lượng kém, tổn thất cao bằng các máy biến áp có lõi thép vô định có tổn thất thấp. 

Cùng với đó, Công ty tăng cường kiểm tra giám sát mua bán điện, kịp thời phát hiện, truy thu phần điện năng tổn thất không qua đo đếm. Cụ thể, năm 2016 đã phát hiện 1.292 vụ vi phạm sử dụng điện, truy thu 121.380 kWh với tổng số tiền phạt là gần 790 triệu đồng. 

 

Ông Nguyễn Trung Thu

Ông Nguyễn Trung Thu - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương (PC Bình Dương): 

Tăng cường kiểm tra, giám sát mua bán điện

Bình Dương là tỉnh công nghiệp có sản lượng điện thương phẩm lớn. Năm 2016, tỷ lệ TTĐN của PC Bình Dương là 3,36% - một trong những công ty điện lực có tỷ lệ TTĐN thấp nhất Tập đoàn. Để có được thành quả trên, giải pháp quan trọng của PC Bình Dương là tăng cường quản lý các khách hàng lớn bằng cách theo dõi sát, kiểm tra định kỳ, đột xuất, không để xảy ra sai sót gây TTĐN.

Lượng điện tiêu thụ của khách hàng trên địa bàn Bình Dương rất lớn, nên ngay từ đầu, Công ty đã tư vấn cho khách hàng sử dụng công tơ điện tử, vừa đảm bảo chính xác, minh bạch, vừa tránh được sự can thiệp từ bên ngoài. Đồng thời, Công ty kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác kiểm tra, giám sát mua bán điện. Từ đó, tăng cường quản lý, kiểm tra và hướng dẫn khách hàng, khắc phục kịp thời các nguy cơ dẫn đến sự cố; đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định cho doanh nghiệp, đồng thời ngăn ngừa TTĐN.

Song song với việc quản lý, giám sát, Công ty đặc biệt chú trọng đến khâu giám sát sử dụng điện qua hệ thống đo ghi từ xa, có biện pháp khắc phục và ngăn chặn kịp thời các sự cố, hư hỏng hệ thống lưới điện. Công ty thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... tuyên truyền đến các hộ dân cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp câu móc, trộm cắp điện.


  • 24/04/2017 10:54
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 13427