Kiểm tra tiến độ di dời các công trình điện phục vụ dự án mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh

Ngày 17/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) về tiến độ di dời các công trình điện phục vụ giải phóng mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh.

EVN làm việc với các đơn vị về Dự án mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh

Tham dự còn có đại diện các ban chuyên môn của EVN, EVN CPC, Công ty Lưới điện Cao thế miền Trung, giám đốc các Điện lực tỉnh/thành phố liên quan.

Theo ông Nguyễn Thành - Phó Tổng giám đốc EVN CPC, hiện nay EVN CPC đang quản lý lưới điện tại 57 huyện, thị xã, thành phố nằm trong khu vực ảnh hưởng phải di dời, phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án mở rộng QL1A và đường HCM (Quốc lộ 14).

Đối với phần lưới điện, ngành Điện cam kết di dời đã hoàn thành hồ sơ thiết kế di dời tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị (trừ khu vực Đông Hà do địa phương chưa có hồ sơ thiết kế mở đường), Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai sẽ thực hiện di dời sau khi địa phương hoàn thành GPMB, thỏa thuận tuyến, vị trí xây dựng.

Bình Định đang giao mốc GPMB (trừ 2 huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ đã giao mốc GPMB ngày 5/12/2013) để Công ty Điện lực Bình Định xác định khối lượng và lập hồ sơ thiết kế di dời. 

Đối với phần lưới điện ngành Điện không có cam kết di dời, đã hoàn thành lập hồ sơ thiết kế di dời tại Quảng Trị, Huế, Quảng Nam (khu vực Núi Thành, Phú Ninh, Tam Kỳ), Phú Yên, Khánh Hòa (trừ đoạn ĐZ 110 kV chưa thiết kế di dời được do Ban QLDA 7 chưa thống nhất), Gia Lai, Đăk Nông (khu vực huyện Đăk Mil, Đăk Song, Cư Jut, tuy nhiên việc bố trí lưới điện sau di dời các khu vực này chưa xác định).

Tại thành phố Buôn Ma Thuột, địa phương đã tự di dời tạm 160 vị trí trụ tại khu vực phía Nam thành phố, để có mặt bằng thi công. Các khu vực còn lại dự kiến hoàn thành lập hồ sơ thiết kế sau là: Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.

Tại buổi làm việc, EVN CPC còn đưa ra một số đề xuất, từ đó, EVN đề nghị với Chính phủ có văn bản hướng dẫn cơ chế về vốn, cho phép thực hiện theo hình thức EPC để kịp tiến độ yêu cầu của Dự án; đề nghị UBND các tỉnh sớm bố trí mặt bằng, hành lang cho lưới điện sau di dời để thực hiện di dời; bố trí vốn cho EVN CPC thực hiện di dời trong thời gian chờ ý kiến của Chính phủ về cơ chế vốn để kịp tiến độ thực hiện Dự án mở đường quốc lộ 1A và Hồ Chí Minh.

Tổng khối lượng di dời các công trình điện phục vụ Dự án mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh:

- 0,5 km đường dây 110 kV; 214 km đường dây trung áp; 291 km đường dây hạ áp; 181 trạm biến áp với tổng dung lượng 47.770 kVA và 43.474 công tơ.

- Chi phí dự kiến: 429.307 triệu đồng (chưa bao gồm khối lượng lưới điện bị ảnh hưởng di dời tại khu vực huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum do địa phương đang lập quy hoạch mở đường).

Trong đó:

- Khối lượng ngành Điện cam kết di dời: 57 km đường dây trung áp; 59 km đường dây hạ áp; 41 trạm biến áp có tổng dung lượng là 11.550 kVA và 7.339 công tơ.

Chi phí dự kiến 66.176 triệu đồng.

- Khối lượng ngành Điện không cam kết di dời: 0,5 km đường dây 110 kV; 157 km đường dây trung áp; 232 km đường dây hạ áp; 140 trạm biến áp có tổng dung lượng 36.220 kVA và 36.135 công tơ.

Chi phí dự kiến 328.531 triệu  đồng. 

 


  • 18/12/2013 03:35
  • Tin, ảnh: Dương Anh Minh
  • 2838


Gửi nhận xét