Năm 2017, khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ quét, sạt lở đất, bão và sét đánh. Tổng thiệt hại về kinh tế ước khoảng 31.765 tỷ đồng (chiếm 53% tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên toàn quốc).
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, lực lượng, cơ chế điều phối trong PCTT của Ban Chỉ đạo Trung ương với Ban Chỉ huy các cấp, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
NMTĐ A Vương luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để vận hành an toàn, hiệu quả công trình - Ảnh ĐVCC
|
Trong đó, về công tác chỉ đạo, điều hành các hồ chứa thủy điện tại khu vực này, đại diện Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN EVN - ông Nguyễn Hồng Thạch (Ban An toàn) cho biết, các hồ chứa do EVN quản lý đã được vận hành tuân thủ các quy định, góp phần giảm đáng kể lũ cho hạ du.
Vào mùa lũ, EVN chỉ đạo các chủ hồ chứa liên hệ chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đồng thời chủ động tham mưu để lãnh đạo Ban Chỉ huy có sự chỉ đạo vận hành kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế. Theo các Quy trình liên hồ thì lệnh vận hành hồ chứa trong mùa lũ thuộc trách nhiệm của Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh.
Một số chủ hồ chứa cũng đã chủ động mời chính quyền địa phương phía hạ du tham gia giám sát trực tiếp trong mùa lũ tại đập tràn, như Thủy điện A Vương, Sông Tranh 2.
Ông Thạch cho biết thêm: Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2018, EVN đã ban hành các văn bản chỉ đạo, kết hợp kiểm tra tại các đơn vị trực thuộc, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, công trình, thiết bị đóng mở ở đập tràn, nguồn điện diesel dự phòng, có đầy đủ số liệu thủy văn để vận hành hồ chứa.
Các đơn vị cũng rà soát quy chế phối hợp với các cấp chính quyền ở địa phương có liên quan, kiểm tra thực địa hiện trạng dòng chảy thoát lũ ở hạ lưu đập và kịp thời xử lý các vi phạm, lấn chiếm ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của công trình nhằm đảm bảo xả lũ an toàn, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại cho hạ lưu khi xả lũ. Kiểm tra, duy trì sự hoạt động tốt và liên tục của hệ thống cảnh báo cho vùng hạ du đập khi vận hành.
Tại Hội nghị, ông Trần Quang Hoài - Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cho biết: Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm nay tương đương năm 2017. Từ nay đến cuối năm còn khoảng 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, riêng khu vực Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, do đó, các địa phương cần đề phòng những cơn bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cho rằng, để ứng phó với tình hình hạn hán, lũ lụt ngày càng diễn biến bất thường thì vấn đề nâng cao năng lực, chủ động PCTT là hết sức quan trọng. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác này.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, cần chú trọng bố trí nguồn lực, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; kết nối trực tuyến với cơ quan phòng, chống thiên tai Trung ương và địa phương.
Đối với các hồ đập, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về an toàn hồ đập, đê điều; nâng cao năng lực dự báo mưa trên lưu vực cho tất cả các hồ, đập; nâng cao năng lực quản lý, vận hành hồ chứa và đảm bảo thông tin cho người dân vùng hạ du khi xả lũ.