Mục tiêu 100% xã đạt tiêu chí số 4 về điện năm 2020: Áp lực tìm nguồn vốn

Tính đến cuối năm 2016, khoảng 70% số xã trong cả nước đạt tiêu chí số 4 về điện trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 là 100%. Đây thực sự là áp lực đối với EVN, nhất là trong việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.

Thay đổi diện mạo nông thôn

Trong giai đoạn 2011 - 2015, ngoài nhiệm vụ đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn nỗ lực chung tay, góp sức thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Đến cuối năm 2015, cả nước đã có 99,8% số xã và 98,76% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện (vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao). Trong đó, 6.165 xã hoàn thành tiêu chí về điện trong xây dựng NTM, chiếm 68,6% số xã trong cả nước. 

Đối với các xã đạt tiêu chí số 4 về điện, nhờ có nguồn điện ổn định, chất lượng, an toàn, người dân nông thôn có điều kiện áp dụng thành tựu KHCN, thúc đẩy sản xuất phát triển, đồng thời mở rộng ngành nghề kinh doanh dịch vụ, tiến tới xoá đói giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, góp phần giữ gìn an ninh chính trị - xã hội. 

Được sự bảo trợ của Nhà nước, EVN đã chủ động xây dựng và triển khai các hình thức vay vốn, tiếp cận và làm việc với các nhà tài trợ quốc tế, tổ chức quản lý điều hành và tăng cường nhân lực, đảm nhận tốt vai trò chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA phục vụ Chương trình điện khí hóa nông thôn; tổ chức đào tạo tại chỗ và bổ sung cán bộ chuyên nghiệp xuống các xã hỗ trợ chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – ông Trần Thanh Nam, khi đưa điện lưới quốc gia về nông thôn, EVN đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn trong cả nước, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Điện góp phần thay đổi diện mạo nông thôn

Còn nhiều thách thức… 

Mặc dù đạt được những thành quả đáng ghi nhận về điện khí hóa nông nghiệp nông thôn, nhưng nhiệm vụ của EVN còn rất nặng nề. Bên cạnh việc bố trí 15% nguồn vốn đối ứng (gần 1.800 tỷ đồng) thực hiện 23 dự án theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 – 2020, EVN còn phải tiếp tục đảm nhận những công việc theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu đến năm 2020, 100% xã trong cả nước phải đạt tiêu chí số 4 về điện theo Chương trình xây dựng NTM.

Nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất là tìm nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh, vốn ngân sách nhà nước còn khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của EVN cũng chưa được cải thiện nhiều. Chi phí khắc phục bão lụt lên tới hàng trăm tỷ đồng; nguồn nước thiếu hụt, sản xuất thủy điện gặp khó, EVN không chỉ mất nguồn doanh thu đáng kể từ thủy điện mà còn mất thêm nhiều chi phí khi phải huy động nguồn điện chạy dầu giá cao, bù đắp cho sản lượng điện thiếu hụt trong mùa khô.

Theo chỉ đạo, đến năm 2015, EVN sẽ phải tiếp nhận xong lưới điện hạ áp từ các tổ chức điện tư nhân nông thôn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số địa phương và tổ chức chưa muốn bàn giao, gây không ít khó khăn cho việc hoàn thành tiêu chí số 4 về điện. Ngay cả ở những xã đã tiếp nhận, ngành Điện cũng không thể thu xếp ngay vốn để cải tạo nâng cấp toàn bộ kết cấu hạ tầng điện đã xuống cấp, mà chỉ có thể đầu tư dần theo lộ trình thu xếp vốn. 

Theo Báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến nay, ngoài Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội còn có 87 tổ chức kinh doanh điện nông thôn thực hiện quản lý phân phối và bán lẻ điện trực tiếp đến các hộ dân nông thôn trên địa bàn. Hệ thống lưới điện nông thôn chưa đồng bộ và hiện đại, tổn thất điện năng còn cao, bán kính cấp điện xa, chưa đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu phát triển sản xuất vùng chuyên canh cây trồng, chăn nuôi tập trung của nhân dân; công tơ đo đếm điện năng phần lớn là công tơ cơ, độ chính xác kém; Dự án đầu tư lưới điện trung áp nông thôn đồng bộ lưới điện hạ áp (được đầu tư từ Dự án RE2) không đảm bảo tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác lưới điện hạ áp nông thôn. Việc hoàn trả vốn, thu hồi nợ vốn vay của các dự án RE2 đến năm 2025 cũng còn nhiều vướng mắc.

Một khó khăn nữa EVN cũng đang tìm cách giải quyết đó là tiến độ thực hiện các dự án điện nông thôn. Bên cạnh những khó khăn về địa hình, giao thông, thời tiết khắc nghiệt thì việc đền bù giải phóng mặt bằng ở hầu hết các địa phương cũng là nguyên nhân khiến tiến độ các dự án không đạt như yêu cầu đặt ra, gây lãng phí nguồn lực.

Để hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng NTM, từ nay đến 2020, rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa UBND các tỉnh, thành phố trong việc bố trí nguồn vốn, tạo cơ chế ưu đãi, khuyến khích huy động mọi nguồn lực xã hội; giải quyết những khó khăn đã tồn tại từ rất lâu trong việc bàn giao toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện; đồng thời sớm phê duyệt kế hoạch giải phóng mặt bằng cho các dự án điện nông thôn, miền núi; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và cộng đồng xã hội về lợi ích từ xây dựng NTM. 

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 của EVN:

- Tổng vốn đầu tư: Hơn 13.400 tỷ đồng.
- Xây dựng, cải tạo và nâng cấp: 15.800 TBA phân phối, 8.900 km đường dây trung thế; 32.400 km đường dây hạ áp nông thôn.
- Tiếp nhận, quản lý vận hành lưới điện nông thôn từ các hợp tác xã, tổ quản lý điện: 1.368 xã với 21.738 km đường dây hạ áp.
- Cấp điện cho:
+ Hơn 116.000 hộ dân ở 5 tỉnh Tây Nguyên.
+ 91.591 hộ dân khu vực Tây Nam bộ (các tỉnh trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang).
+ 52.725 hộ dân khu vực Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La).
- Đưa điện, tiếp nhận, quản lý bán điện trực tiếp tại: 9/12 huyện đảo. Mỗi năm bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho các huyện đảo sử dụng nguồn điện Diesel tại chỗ.
- Tính đến cuối năm 2015: 
+ 99,8% số xã và 98,76% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện;
+ 6.165 xã hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong XDNTM (tăng 2.653 xã so với năm 2011), chiếm 68,6% số xã trong cả nước.
+ Mục tiêu đến năm 2020: 100% số xã và hầu hết số hộ dân nông thôn có điện; trong đó 100% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện.

(Nguồn: Báo cáo Sơ kết phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015 của EVN)

 


  • 27/12/2016 02:27
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 11027