Phát triển nguồn năng lượng tái tạo không nối lưới để hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn

Đó là một trong những thông tin đưa ra tại Hội thảo Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo để hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn và tiếp cận điện cho người nghèo, sáng 21/8, tại Hà Nội.

Hội thảo do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Nhóm công tác về biến đổi khí hậu (CCWG) tổ chức, trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2018. 

Theo đại diện của Phòng Điện khí hóa nông thôn thuộc Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), mục tiêu của Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 (Chương trình 2081) là hầu hết số hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện vào năm 2020. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn không ít khó khăn, thách thức như: Các thôn, bản, hộ dân chưa có điện hầu hết đều ở vùng đặc biệt khó khăn, bị cô lập về địa hình và nằm quá xa lưới điện quốc gia; dân cư sống rải rác trong khi chi phí đầu tư cấp điện quá lớn, mức tiêu thụ điện năng lại quá ít,..., vì vậy cần phải có những chính sách, giải pháp đặc biệt để giải quyết việc cấp điện tại các khu vực này. 

Theo bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Sáng tạo xanh (Green ID), cơ quan điều phối VSEA, các nguồn năng lượng tái tạo phân tán, độc lập, không nối lưới cho những vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới có thể là một trong những giải pháp giúp hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn.

Tại Hội thảo, Green ID cũng giới thiệu về 2 mô hình năng lượng tái tạo gồm: Hệ thống cấp điện mặt trời mini không nối lưới tại bản Erot – một bản xa xôi, hẻo lánh của xã Cư Pui, huyện Krongbong, tỉnh Đắk Lắk (cấp điện hộ 23 hộ gia đình) và mô hình Ấp sử dụng 100% tấm pin năng lượng mặt trời xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang (gồm 274 hộ ở ấp Vồ Bà và Tà Lọt). 

Phần lớn ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất về việc ứng dụng các mô hình năng lượng tái tạo tại chỗ như: Đèn xách tay năng lượng mặt trời, pin năng lượng mặt trời,..., hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhu cầu sử dụng điện ít. Tuy nhiên, cần thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực để huy động vốn đầu tư cho phát triển các giải pháp năng lượng tái tạo không nối lưới. Ngoài ra, cần tăng cường chuyển giao công nghệ, thành lập và đào tạo các đội thợ địa phương để lắp đặt và vận hành, bảo dưỡng hệ thống cấp điện này,...