Sản lượng tiêu thụ điện khu vực phía Nam 'lao dốc' do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Những tháng qua, các tỉnh/thành phố khu vực phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, hầu hết các doanh nghiệp ở khu vực này đều ngừng hoạt động sản xuất, dẫn tới mức tiêu thụ điện năng thương phẩm liên tục giảm sâu.

Tình hình sản xuất đình trệ thấy rõ ở ngành chế biến thủy sản. Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 6/2021 tới nay có đến 60-70% doanh nghiệp (DN) tạm ngưng hoàn toàn hoạt động tại 19 tỉnh thành phía Nam, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nguyên nhân là doanh nghiệp không đáp ứng được phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “2 điểm đến, 1 cung đường”. Số DN còn lại hoạt động chỉ 30-40%, nhưng công suất chỉ được 30% bởi phải áp dụng quy định giãn cách, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Tương tự, ngành dệt may tại các tỉnh thành phía Nam cũng có đến 90% DN tạm ngưng hoạt động, trong đó các các DN chủ yếu tập trung tại Đồng Nai, Bình Dương... 

Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), tính riêng tháng 8/2021, tổng sản lượng điện thực hiện của tổng công ty chỉ đạt hơn 5,4 tỷ kWh, giảm 17% so với tháng 7 và giảm 16,09% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng giảm 26,3% (khoảng hơn 1 tỷ kWh) và lĩnh vực dịch vụ khách sạn, nhà hàng giảm 19,9% (giảm 37,2 triệu kWh). 

Dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp khu vực phía Nam. Ảnh minh họa.

Do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, mức tiêu thụ điện năng khu vực miền Nam suy giảm mạnh, dẫn đến tình trạng thừa nguồn điện cục bộ trên địa bàn. Ngành Điện buộc phải cân đối việc huy động nguồn cung điện tại chỗ, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo, sao cho phù hợp với nhu cầu phụ tải tại từng địa phương, để bảo đảm an toàn cung cấp điện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và đời sống, sinh hoạt của người dân trên toàn miền Nam.

Đối với nguồn ĐMTMN, theo EVNSPC, các DN đầu tư điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng và bán phần điện năng dư. Do hiện nay không tiêu thụ tại chỗ (ngưng sản xuất chính), nên các DN đã bán hết lên lưới điện. Đây là một yếu tố góp phần gây đột biến sản lượng điện phải mua theo hợp đồng mẫu quy định tại Thông tư 18/2020/TT-BCT. Ngoài ra, các công trình ĐMTMN cũng phát điện sản lượng nhiều hơn do yếu tố thời tiết thuận lợi cho phát điện trong 8 tháng đầu năm 2021. 

Theo số liệu từ Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), trong 2 tuần đầu của tháng 9/2021, sản lượng điện trung bình ngày ở khu vực miền Nam đã giảm 101,5 triệu kWh/ngày và công suất giảm hơn 5.000-6.000 W (tương đương 9-10 tổ máy nhiệt điện than công suất 600MW) so với giai đoạn trước giãn cách. Để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia khi tiêu thụ điện xuống thấp do nhiều tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội, A0 và các trung tâm điều độ miền đã và đang huy động các nguồn điện bám sát nhu cầu tiêu thụ điện của toàn quốc và từng khu vực. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cũng tiếp tục đề nghị các chủ đầu tư nguồn điện cần phối hợp chặt chẽ với A0 và các cấp điều độ, thực hiện nghiêm các mệnh lệnh điều độ để đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia.


  • 30/09/2021 01:34
  • Hải Yến - Đình Hoàng
  • 11317