Xóa điện câu đuôi khu vực phía Nam: Còn lắm gian nan

Từ nay đến năm 2020, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cần khoảng 6.200 tỷ đồng để xóa điện câu đuôi cho gần 300.000 hộ dân, tiến tới bán điện trực tiếp qua công tơ lắp cho từng hộ. Đây thực sự là thách thức không nhỏ.

Công nhân điện lực tổ chức tuyên truyền về an toàn điện tại ấp Láng Tượng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau

Nỗi lo về an toàn điện

Mặc dù số hộ dân nông thôn thuộc EVNSPC quản lý được sử dụng điện đã đạt tỷ lệ 99,2%, nhưng vẫn còn 0,8% số hộ dân trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, tập trung chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đó  là những khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, phần lớn diện tích là đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng, các hộ dân sống thưa thớt, việc kéo điện lưới về gặp rất nhiều khó khăn do chi phí quá lớn. 

Đã gần chục năm sử dụng điện câu đuôi, ông Bùi Xuân Trường (ấp Láng Tượng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) chia sẻ, xã Tân Hưng Đông có điện lưới quốc gia từ năm 2009, nhưng ấp Láng Tượng thuộc diện vùng sâu, vùng xa, điện lưới vẫn chưa thể đến được. Các hộ dân ở đây đều phải kéo điện từ công tơ của gia đình đã có điện lưới. Giá điện phải trả cho chủ công tơ rất cao, từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/kWh. Hộ nào ở càng xa công tơ, tiền điện hàng tháng càng nhiều, do hao tổn điện năng lớn. Nhưng nỗi lo lớn nhất là vấn đề an toàn điện. 

Theo quan sát của phóng viên, đường điện hầu hết đều do người dân tự kéo treo trên các cột gỗ hoặc trên các nhánh cây trong vườn. Thậm chí, có gia đình còn để đường dây điện đi là là gần mặt đất, rất nguy hiểm. Ông Trường cho biết: “Đường dây điện đi qua các vườn cây, dễ bị bong tróc vỏ cách điện; lâu ngày không được kiểm tra, thay thế, nên rất nguy hiểm. Vẫn biết là mất an toàn, nhưng để có điện sử dụng, chúng tôi vẫn phải liều. Rất mong chính quyền các cấp sớm bố trí nguồn vốn xây dựng hệ thống điện, giúp người dân ở đây được mua điện trực tiếp từ ngành Điện, theo giá quy định của Nhà nước, đảm bảo an toàn khi sử dụng điện”.

“Bài toán” huy động vốn

Trong 2 năm 2016 - 2017, EVNSPC đã đầu tư 295 tỷ đồng xóa điện câu phụ cho 13.212 hộ dân. Tổng công ty ưu tiên xóa câu đuôi ở những xã nông thôn mới, nhất là tại khu vực gần trung tâm các xã. Hiện nay, trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam còn 293.077 hộ dân sử dụng điện qua hình thức câu phụ. 

Để xóa bỏ hoàn toàn tình trạng này, giai đoạn 2018-2020, EVNSPC cần khoảng 6.200 tỷ đồng. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đối với Tổng công ty, bởi nguồn vốn đầu tư xây dựng của EVNSPC rất hạn hẹp, chỉ đủ trang trải xóa hộ câu phụ tại các khu vực có chi phí thấp. Đó là chưa kể, nhiều khu vực xóa câu phụ đang nằm trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 (Chương trình 2081), nên việc xóa câu phụ cũng làm ảnh hưởng đến khối lượng đầu tư và phụ thuộc vào tiến độ của chương trình này. 

Theo ông Nguyễn Phước Đức - Phó tổng giám đốc EVNSPC, trước mắt, năm 2018, Tổng công ty tiếp tục cân đối các nguồn vốn để bổ sung cho các công ty điện lực thực hiện xóa câu phụ tại các khu vực có suất đầu tư thấp (dưới 4 triệu đồng/hộ). Dự kiến năm 2018, Tổng công ty sẽ bố trí 190 tỷ đồng, xóa 48.000 hộ câu phụ. Nhưng sau năm 2018, khi suất đầu tư xóa các hộ câu phụ lên đến từ 40 đến 50 triệu đồng/hộ thì EVNSPC gặp nhiều khó khăn và thực sự rất cần sự hỗ trợ của EVN, các bộ, ngành, địa phương...

 


  • 05/06/2018 03:44
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 526137