Doanh nghiệp Châu Âu yêu cầu nhân viên làm việc từ xa để tiết kiệm năng lượng

Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đang làm đảo ngược cuộc tranh luận về việc làm việc tại nhà. Làm việc từ xa hiện là một điều mà các chủ doanh nghiệp thực sự muốn triển khai, chứ không còn là một mô hình trong thời kỳ đại dịch mà họ muốn chấm dứt.

Sau khi cố gắng vận động công chức trở lại công sở sau khi họ được phép làm việc tại nhà trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVD-19, giờ đây, Ông Beppe Sala - thị trưởng thành phố Milan (Ý) lại yêu cầu nhân viên ở nhà nhiều hơn để giúp cắt giảm hóa đơn năng lượng tốn kém của thành phố.

Trước đó, ông đã yêu cầu bắt buộc đối với hơn 2000 công chức của thành phố Milan làm việc từ xa trong ngày thứ sáu hàng tuần để tiết kiệm năng lượng. Chính quyền thành phố Milan hy vọng sẽ tiết kiệm tới 2 triệu euro trong mùa đông này bằng cách đóng cửa bốn tòa nhà văn phòng của thành phố vào các ngày thứ Sáu. Ông Beppe Sala nói  “Mọi chuyện bắt đầu từ cuộc chiến ở Ukraine. Tất cả chúng ta cần phải tiết kiệm năng lượng”.

Hành động này không chỉ xuất phát từ ông Beppe Sala, nhiều chủ doanh nghiệp tại Châu Âu cũng đang khuyến khích nhân viên dành ít thời gian hơn tại văn phòng vì hóa đơn tiền điện và sưởi ấm cao đang làm gia tăng chi phí hoạt động. Một số chủ doanh nghiệp thậm chí còn không khuyến khích nhân viên trở lại văn phòng.

Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đang làm đảo ngược cuộc tranh luận về việc làm việc tại nhà. Làm việc từ xa hiện là một điều  mà các chủ doanh nghiệp thực sự muốn triển khai, chứ không còn là một mô hình trong thời kỳ đại dịch mà họ muốn chấm dứt. Chi phí năng lượng ở châu Âu tăng vọt kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra do Moscow cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên cho khu vực để đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Doanh nghiệp Châu Âu yêu cầu nhân viên làm việc từ xa để tiết kiệm năng lượng. Nguồn ảnh: Internet

Một số cao ốc văn phòng ở châu Âu đang đóng cửa một ngày mỗi tuần hoặc nhiều ngày hơn để tiết kiệm chi phí năng lượng. Ở Tây Ban Nha, nhân viên chính phủ thường được yêu cầu làm việc từ xa tới 3 ngày mỗi tuần.

Các công ty tư nhân cũng đang gia nhập xu hướng này. Công ty viễn thông lớn nhất của Ý Telecom Italia đang đàm phán với các công đoàn lao động để chuyển hầu hết nhân viên sang làm việc từ xa bắt buộc vào các ngày thứ Sáu. Trước đó, nhân viên của Telecom Italia đã được phép làm việc tại nhà hai ngày/tuần nếu họ muốn.

Không phải tất cả người lao động đều vui vẻ khi được yêu cầu làm việc ở nhà nhiều hơn vì lý do mà chủ doanh nghiệp không muốn họ ở văn phòng la tốn chi phí điện và sưởi ấm. Các công đoàn lao động cho rằng thật không công bằng khi “trút” chi phí điện và sưởi ấm ngày càng tăng lên người lao động, đồng thời yêu cầu bồi thường tài chính cho nhân viên nếu họ bị yêu cầu làm việc tại nhà.

Florindo Olivero, đại diện của công đoàn lao động lớn nhất Ý CGIL nói: “Những người làm việc tại nhà đang phải gánh chịu những chi phí mà đáng ra người sử dụng lao động phải trả. Việc chỉ cho phép làm việc từ xa khi điều đó mang lại sự tiện lợi cho chủ sử dụng lao động có thể tạo ra xung đột, đặc biệt là vào thời điểm các gia đình đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao”.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Công ty nghiên cứu thị trường OnePoll, tại Anh, gần 1/4 nhân viên muốn làm việc tại văn phòng thường xuyên hơn để hạn chế mức tiêu thụ năng lượng tại nhà. Các nghiên cứu cho thấy sau khi hoàn toàn làm việc từ xa vào thời kỳ cao trào của đại dịch Covid-19, hầu hết người lao động ở Mỹ và châu Âu đã dần quay trở lại văn phòng ít nhất vài ngày một tuần.

Tại nhiều công ty, các nhà quản lý nói rằng làm việc tại nhà không tốt cho năng suất. “Làm việc ở nhà trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đã đánh lừa mọi người vào suy nghĩ nghĩ rằng bạn không thực sự cần phải làm việc chăm chỉ”, Elon Musk, Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla, nói trước khi ra lệnh cấm làm việc từ xa tại công ty ông hồi tháng 6. Tuần trước, Musk đã nói với nhân viên của Twitter, công ty mạng xã hội mà ông vừa mua lại, rằng ông sẽ chấm dứt công việc từ xa đối với hầu hết họ.

Ở châu Âu, nơi hóa đơn năng lượng tăng gần gấp đôi so với một năm trước, những lo ngại về năng suất làm việc tại nhà đã giảm dần. Ông Sala đã thúc giục công chức thành phố này quay trở lại văn phòng kể từ tháng 6-2020. Nhưng gần đây, ông đã tăng số ngày làm việc từ xa cho công chức lên trung bình khoảng 10 ngày/tháng do chi phí năng lượng cao. Khi thị trưởng của một thành phố thuộc vùng thủ đô Brussels của Bỉ thông báo một ngày bắt buộc làm việc ở nhà trong tuần đối với nhân viên vào tháng trước, ông đã đưa ra một lời xin lỗi.

“Đây không phải là biện pháp dễ chịu. Thật không may, chúng tôi không có lựa chọn nào khác nếu chúng ta muốn duy trì công việc của mình và mức thuế hợp lý”, Emir Kir, thị trưởng thành phố St. Josse, cho biết đồng thời thông báo rằng các công sở sẽ đóng cửa vào các ngày thứ Sáu trong tương lai gần.

Một số chủ sở hữu lao động đang cung cấp các ưu đãi tài chính để nhân viên tránh xa văn phòng. Hãng hàng không Air France của Pháp đang trả cho nhân viên thêm 4 euro cho mỗi ngày làm việc từ xa. Hãng đang kéo dài chính sách kết hợp làm việc văn phòng và từ xa từ thời kỳ đại dịch, cho phép khoảng 11.000 nhân viên làm việc tại nhà tới 3 ngày mỗi tuần. Văn phòng trụ sở chính và các văn phòng khác của Air France cũng đóng cửa vào các ngày thứ Sáu. Người lao động trong khu vực công ở Pháp được trả 2,5 euro mỗi ngày khi làm việc tại nhà.

Tại Anh, chi phí bổ sung cho nhân viên làm việc tại nhà cả tuần vào mùa đông này có thể dao động từ 50 -130 bảng mỗi tháng, các nghiên cứu đã ước tính. Chi phí sẽ thấp hơn nếu nhân viên làm việc ở nhà kết hợp với làm tại văn phòng. Theo một nghiên cứu của Osservatorio Smart Working, một trung tâm nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Milan (Ý), chi phí năng lượng bổ sung, bao gồm chi phí sưởi ấm mùa đông và điều hòa không khí mùa hè, lên tới khoảng 400 euro mỗi năm đối với nhân viên làm việc tại nhà hai ngày/tuần.

Nhưng làm việc tại nhà tiết kiệm tiền theo những cách khác. Mariano Corso, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu này, cho biết: “Trung bình, người lao động tiết kiệm được khoảng 1.000 euro mỗi năm chỉ riêng chi phí đi lại”.

Federico Gamberini nằm trong số khoảng 2.300 công chức của thành phố Milan có văn phòng đóng cửa vào các ngày thứ Sáu. Anh thích làm việc tại nhà nhưng nghĩ rằng người sử dụng lao động nên chia sẻ một phần tiền nhờ tiết kiệm năng lượng ở văn phòng với người lao động. Gamberini nói: “Tôi không đặt nặng tiền bạc nhưng vấn đề là nguyên tắc”.

Ông Sala cho biết văn phòng thị trưởng Milan đang đàm phán với các công đoàn về kế hoạch hỗ trợ tài chính cho công chức làm việc ở nhà nhưng lưu ý rằng số tiền tiết kiệm được nhờ làm việc từ xa không nhiều.


  • 23/11/2022 02:33
  • Tố Quyên (Theo WSJ)
  • 2389