Đó là thông tin tại Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội, do UBND Thành phố Hà Nội, Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại dương (ASOCIO) và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 18/9, tại Hà Nội.
Với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số”, mục đích của hội nghị nhằm chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, chính sách và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh. Bên cạnh đó, bên lề hội nghị, còn diễn ra các hoạt động xúc tiến hợp tác như triển lãm giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến cho thành phố thông minh và nhiều cuộc gặp gỡ giao thương giữa các đại biểu tham gia chương trình.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2017, Việt Nam có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5%. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực và thế giới. Theo đó, nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân đang ngày một trở nên cấp thiết. Những ứng dụng công nghệ mới, chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu giúp đáp ứng nhu cầu này.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế. Trong đó, đến năm 2020 tại Việt Nam, ít nhất 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh.
Đối với Hà Nội - một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Do đó, Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hà Nội đã ban hành kế hoạch với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, triển khai các thành phần cơ bản được ưu tiên xây dựng là Trung tâm điều hành thông minh, Hệ thống giao thông thông minh và Hệ thống du lịch thông minh. Bên cạnh đó, trong năm 2018, thành phố đã phối hợp nhiều đơn vị tổ chức các hội thảo quốc tế về xây dựng thành phố thông minh.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, nhiều câu hỏi được đặt ra với Hà Nội nói riêng và các thành phố, các đô thị nói chung, đó là: Mô hình nào, phương thức nào để triển khai đô thị thông minh, tính “bền vững” của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Cần hoạch định xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một thành phố thông minh? Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp,... sẽ được thực hiện như thế nào?
“Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội với sự tham gia của hơn 10 quốc gia cùng các tỉnh, thành phố trong nước; các chuyên gia đầu ngành về thành phố thông minh, các nhà quản lý, hoạch định chính sách quốc tế và Việt Nam sẽ trực tiếp trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp cụ thể giúp cho Hà Nội và các thành phố khác tại Việt Nam trong việc xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn” - ông Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Tại hội nghị, các diễn giả cho rằng, việc xây dựng các thành phố thông minh cần chú trọng đến mục tiêu phát triển bền vững về con người và môi trường. Chẳng hạn, Thụy Điển chú trọng tới sản phẩm bền vững, thân thiện như năng lượng sạch, xử lý rác thải thông minh, xe điện. Nhật Bản lại hướng tới xây dựng xã hội 5.0 phục vụ tối đa mục tiêu phát triển con người trên nền tảng công nghệ mới...