1. Học nghề cũng không xong
Khi sinh sống tại quê nhà ở Pittsburgh, bang Pennsylvania, cha mẹ của Mark Cuban khuyến khích con trai mình nên học thêm một nghề nào đó để phòng cho tương lai sau này. Một lời khuyên đúng đắn và vô cùng thiết thực đến từ bố mẹ của Mark Cuban, chỉ trừ một vấn đề "nho nhỏ", đó là: Con trai của họ hầu như làm cái gì cũng tệ cả!
Ban đầu, chàng thanh niên Mark Cuban tập tành làm thợ mộc và đã sớm phát hiện ra bản thân không mấy “bén duyên" với nghề, chứ chẳng muốn nói trắng ra là tay nghề dở tệ. Chuyển từ xưởng mộc sang nhà hàng, “đầu bếp” chuyên phụ trách món ăn nhanh Mark Cuban chỉ có thể biết thực phẩm đã chín hay chưa khi bốc ăn thử. Còn với vai trò phục vụ thì chàng bồi bàn trẻ tuổi đến cái nút rượu vang mở cũng khó khăn.
Bài học: Bạn không nhất thiết cái gì cũng phải giỏi. Mark Cuban nói: “Việc bạn làm hỏng chuyện bao nhiêu lần không quan trọng, chỉ cần bạn làm đúng một lần là đủ”.
2. Ý tưởng kinh doanh sữa bột thu hút... 2 khách hàng
Lúc vừa chân ướt chân ráo tốt nghiệp trường Đại học Indiana, Mark Cuban làm việc tại một cửa hàng phần mềm nhưng đã nhanh chóng thôi việc sau đó vì cho rằng “họ không nhận thức được tiềm năng của máy vi tính". Khăn gói ra đi, chàng trai trẻ tuổi manh nha tự thân lập nghiệp. Chỉ có điều, ý tưởng kinh doanh đầu tiên, vốn được Mark Cuban kì vọng rất nhiều, lại không thành công như những gì đã tưởng tượng.
Ý tưởng khởi nghiệp của nhà đầu tư này khi ấy là sữa bột. Mark Cuban tình cờ thấy một quảng cáo sữa và nghĩ rằng tất cả mọi người đều cần... uống sữa. Lợi nhuận sản phẩm lại khá và hầu như hương vị của sữa bột thì cái nào cũng na ná nhau. Thế thì, tại sao lại không đầu tư vào nó nhỉ? Thoạt nghe, có vẻ đây sẽ là một sản phẩm hái ra tiền, nhưng cho đến khi trực tiếp bắt tay vào kinh doanh thì mọi sự mới vỡ lẽ: Sữa bột của Mark Cuban thu hút được mỗi...2 khách hàng, chính là bố mẹ của anh. Mark Cuban bồi hồi: “Ngày đó, tôi chắc mẩm việc kinh doanh sữa bột sẽ giúp mình hái bộn tiền chứ có ngờ đâu nó lại tan biến chỉ trong thoáng chốc như thế”.
Bài học: Đừng đưa ra phán đoán thiếu chính xác về thị trường hay sản phẩm. Sữa tươi, vốn vẫn luôn chiếm lĩnh ưu thế tuyệt đối, là có lí do của nó. Đánh giá sản phẩm chỉ dựa trên một mình tiêu chuẩn vị giác là không đủ để có thể mang đến một mô hình kinh doanh bền vững.
3. Bị tống cổ khỏi một công ty phần mềm
Sau khi di chuyển đến Dallas, bang Texas, Mark Cuban lần đầu đảm nhận vị trí bán hàng tại một công ty chuyên về máy tính tên là Your Business Software. Ý thức được vốn hiểu biết còn hạn chế về phần mềm của mình, vị tỉ phú tương lai khi ấy đã tự trau dồi bằng việc đọc hết tất cả hướng dẫn sử dụng và làm đủ mọi cách để tìm kiếm khách hàng.
Thế nhưng, những sáng kiến và nhiệt huyết của chàng thanh niên trẻ tuổi là không đủ để các sếp giữ chân Mark Cuban. Trên thực tế, chính những sáng kiến của chàng nhân viên bán hàng lại khiến anh bị tống cổ khỏi Your Business Software trong chưa đầy một năm. Mark Cuban đã tự ý chốt một đơn hàng lớn với khách, nghịch lại ý muốn của CEO công ty. Thế là, khi hí hửng cầm tấm séc trị giá 1.500 đô la quay về văn phòng, Mark Cuban mới phát hiện ra mình đã bị đuổi.
Bài học: Sự kiện trên chỉ càng giúp hun đúc thêm ý chí tự làm chủ của Mark Cuban mà thôi. Bên cạnh đó, vị CEO đã đuổi chàng nhân viên bán hàng năm nào giờ đây trở thành hình mẫu “cố vấn ngược" cho Mark Cuban. Vị doanh nhân giải thích điều này như sau: “Thậm chí, tới bây giờ, tôi vẫn cố nhớ về những việc mà anh ta đã làm để có thể hành động ngược lại”.
4. Thiếu nợ tiền điện
Trong một lần, khi được hỏi về điều mà các doanh nhân thành công nên trải nghiệm ít nhất một lần, Mark Cuban nhẹ nhàng đáp: “Về đến nhà và thấy cả căn phòng tối om vì không đủ tiền trả tiền điện. Đó vừa là nguồn động lực to lớn lại vừa là nỗi xấu hổ ghi khắc mãi không phai”. Vị tỉ phú cũng thú nhận rằng bản thân đã từng có lần “không xu dính túi", đúng theo nghĩa đen.
Bài học: Đơn giản lắm, hãy lấy cảm giác ê chề, bẽ bàng từ thất bại làm hành trang cũng như động lực để tiếp tục đứng lên, chiến đấu và chiến thắng!
5. Để vuột mất một ngôi sao
Sau nhiều phen thất bại, vận may cuối cùng đã mỉm cười với Mark Cuban khi ông thành lập MicroSolutions và bán nó thành công với giá 6 triệu đô la. Được biết, MicroSolutions là cột mốc đầu tiên cho rất nhiều thương vụ làm ăn phát đạt sau này của nhà đầu tư. Đến năm 2000, Mark Cuban thậm chí đã có thể mua phần lớn cổ phần của đội bóng rổ Dallas Mavericks.
Dưới sự dẫn dắt của Mark Cuban, đội Mavericks, vốn có tỉ lệ thắng chỉ tầm 40%, đã nhảy vọt lên con số 69%. Tuy nhiên, những điểm sáng như thế trong sự nghiệp cũng không ngăn được Mark Cuban tiếp tục... thất bại. Ông nói sai lầm lớn nhất của mình cho đến giờ khi dẫn dắt đội bóng chính là việc ngưng gia hạn hợp đồng với Steve Nash. Sau khi rời khỏi Mavericks, Steve đã gia nhập đội Phoenix Suns và giành danh hiệu M.V.P. (vận động viên xuất sắc nhất) trong 2 mùa giải liên tiếp. Theo Mark Cuban, chia tay với Steve Nash là thất bại nghiêm trọng nhất trong phán đoán của mình: “Chúng tôi thấy rõ là cậu ta không thể nào đạt M.V.P. 2 mùa liền, thế mà... Không gia hạn hợp đồng với Steve là mất mát lớn cho Mavericks. Chúng tôi tưởng cậu ta sẽ không kham nổi, nào có ngờ đâu”.
Bài học: Đừng đánh giá thấp những gì mà một cá nhân xuất sắc có thể làm được, dù có hay không có bạn ở bên.
6. Show truyền hình đầu tiên là một quả bom... xịt
Ngày hôm nay, có lẽ nhiều người biết đến Mark Cuban như nhà đầu tư thành công nhất góp mặt trong bể cá mập “Shark Tank". Thế nhưng, đây không phải là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên có sự xuất hiện của vị tỉ phú. Show truyền hình thực tế đầu tiên của Mark Cuban, “The Benefactor”, là một quả bom xịt từ đầu tới cuối. Dự kiến ra mắt năm 2004, “The Benefactor” với 16 thí sinh thi đấu giành giải thưởng 1 triệu đô la cùng Mark Cuban làm giám khảo đã “chết từ trong trứng nước" vì nhận đánh giá chất lượng quá thấp. Đứa con của Mark Cuban chưa kịp lên sóng tập nào đã bị “bóp nghẹt”.
Sau hàng tá thất bại, chuyện này có lẽ không còn quá xa lạ với Mark Cuban. Ngạn ngữ Mỹ có câu: “Nếu như lần đầu bạn không thành công, hãy thử và thử lại”. Chí ít thì câu nói này hoàn toàn đúng với nhà đầu tư 59 tuổi này. Giờ đây, “Shark Tank” là chương trình truyền hình có tỉ suất người xem cao nhất vào mỗi tối thứ sáu ở Hoa Kỳ dành cho khán giả từ 18 đến 49 tuổi.
“Vậy nếu như lần đầu bạn không thành công…?”
Như những gì mà Mark Cuban viết trong quyển sách “How to Win at the Sport of Business: If I Can Do It, You Can Do It” (tạm dịch: Làm thế nào để giành chiến thắng: Nếu tôi có thể làm nó, bạn có thể làm điều đó) của mình: “Phàm là làm một việc gì đó gần đúng, dù cho có làm tới bao nhiêu lần cũng chẳng có nghĩa lí gì cả. Chẳng có ai lại muốn biết hay để tâm đến thất bại và cả bạn cũng không nên làm vậy”.