Ảnh minh họa.
|
Khổ những người "vác tù và hàng tổng"
Với những hoạt động văn nghệ, văn “gừng” đoàn thể, hầu hết dân công sở đều chẳng mấy hào hứng mà thường miễn cưỡng tham gia. Lý do đơn giản bởi vì công việc thường ngày đã quá bận rộn, mệt mỏi, giờ lại kham thêm chuyện hát hò, nhảy múa, ai cũng ngại. Chính bởi dân công sở thường tìm mọi cách để trốn, nên các công ty thường phải bắt buộc mọi người tham gia, tất nhiên loại trừ những bạn trẻ thích những hoạt động tập thể. Quỳnh Hoa (25 tuổi, kế toán) phàn nàn: “Nhiều khi việc ngập đến đầu, gấp lắm rồi, nhưng thầy dạy múa đến vẫn phải gác lại sang tập, không dám để mọi người chờ lâu. Tập xong lại ôm đống hồ sơ về nhà thức đến 3, 4 giờ sáng để làm việc. Khổ không đâu kể hết”.
Cũng bởi suy nghĩ như vậy nên đối với những người đứng đầu công tác đoàn thể lại gặp khó khăn trong việc phải vận động anh chị em tham gia các hoạt động chung. Thùy Trang (28 tuổi, nhân viên phòng hành chính nhân sự) được giao tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, văn “gừng” cho công ty. Công ty chủ trương không ép buộc nhân viên tham gia, nhưng lại đòi hỏi phải có những tiết mục đầy đặn, ra tấm ra món, trách nhiệm đó thuộc về Thùy Trang, nếu không làm được thì cô sẽ phải đứng mũi chịu sào, dính phạt.
Bởi vậy, cứ mỗi đợt cơ quan có chương trình văn nghệ gì là Trang lại phải đi nịnh nọt từng người một tham gia. Cô nàng nhắm tới các đối tượng “trẻ trâu” và nhờ sếp của bộ phận đó thêm vài lời để họ phải nể sếp mà đi. Dù vậy, không ít lần Trang gặp phải lời từ chối kiểu “Em đang bận lắm, để lát nữa em qua” rồi đến tận cuối buổi tập cũng biến mất tăm mất tích. Cô nàng đành mặt dày sang năn nỉ, lôi kéo đối tượng, nếu không được nữa thì lại năn nỉ sếp của họ điều nhân viên đi.
Chính bởi vậy mà Trang bị rất nhiều người trong công ty khó chịu, bị mang danh ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến việc của mình mà không biết nghĩ cho người khác. Trang thở dài tâm sự: “Các bạn ấy chậm tí công việc thì không sao, chứ tớ mà không làm vậy, không ai đi tập, chương trình của công ty không ra gì thì không chỉ phạt, có khi còn bị đuổi việc ấy chứ”.
Hạnh phúc gia đình lung lay vì văn nghệ công sở
Sau cuộc thi “Cặp đôi hoàn hảo” chiếu trên VTV3, rất nhiều công ty cũng áp dụng, tổ chức cuộc thi này cho nhân viên của mình. Công ty của anh Hùng Dũng (31 tuổi, kỹ sư xây dựng) cũng vậy. Đợt đó, công ty yêu cầu mỗi bộ phận phải có ít nhất một cặp đôi tham gia. Bộ phận của anh Dũng toàn các bác đã già, nên anh và một cô thư ký công trường được ghép đôi dự thi.
Anh Dũng tham gia hoạt động ở công ty mà phải giấu diếm, không dám nói với vợ, bởi chị nhà anh là chúa hay ghen. Giờ lại còn tham gia ghép đôi ghép cặp, tập nhảy nhót, ôm ấp nhau, vợ anh mà biết thì anh chỉ có nước "hết đường về nhà". Khổ nỗi, đến ngày thi của anh, đồng nghiệp chụp cảnh anh và bạn diễn đang biểu diễn, vừa hát, vừa ôm nhau tình tứ rồi đăng tải lên trang Facebook của công ty. Vợ anh xem được, làm loạn lên, khóc lóc ầm ĩ, còn đòi dọn về nhà mẹ đẻ làm anh phải dỗ mãi.
Hà My (24 tuổi), mới lấy chồng đã xích mích với mẹ chồng. Cô còn trẻ tuổi, lại xinh xắn, dễ thương nên được cử đi tập múa, chuẩn bị cho chương trình 8/3 ở công ty. Mẹ chồng thấy cô thường xuyên về muộn thì ngứa mắt, lời ra tiếng vào, nói cô ăn chơi, đàn đúm, không biết đường về cơm nước cho chồng và nhà chồng. Dù My đã giải thích rất nhiều lần rằng đây là việc công ty, cô buộc lòng phải tham dự và sẽ không kéo dài ngày, mẹ chồng cô vẫn không thông cảm. Con giun xéo lắm cũng quằn, bị mẹ chồng mắng nhiều lần, My bức xúc cãi lại. Chồng cô vốn hiếu thảo, nghe lời mẹ, thấy vợ to tiếng với mẹ thì chạy xuống tát vợ đau điếng dù chưa biết đầu đuôi thế nào. Cô gái trẻ bức xúc, khóc hết nước mắt, viết đơn ly hôn rồi bỏ về nhà mẹ đẻ chỉ sau chưa đầy 1 tháng ở nhà chồng.