Kỹ năng đơn giản mà các nhà quản lý nhất định phải biết

Để trở thành một nhà quản lý tài ba, tố chất lãnh đạo cần có là chưa đủ. Các nhà quản lý cần rèn luyện thêm những kỹ năng cần thiết cũng như thói quen trong phong cách chỉ đạo và làm việc.

Sử dụng các ứng dụng hỗ trợ việc quản lý 

Các nhà quản lý có thể sử dụng các ứng dụng nhằm hỗ trợ việc quản lý, thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên, lập kế hoạch hay phát triển tư duy trong công việc. Sử dụng các ứng dụng thông minh là một trong những cách quản lý hiệu quả và toàn diện mà các nhà lãnh đạo nên đặc biệt chú ý.

Một số những ứng dụng hữu ích như Zip Schedules, Droptask, Basecamp, và Toggl sẽ giúp các nhà quản lý dễ dàng trong việc sắp xếp và theo dõi toàn bộ quá trình làm việc của nhân viên.

Đánh giá đúng năng lực của nhân viên 

Trong công việc, khi nhân viên đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và chỉ tiêu được giao, nhà quản lý nên đặc biệt tuyên dương sự cố gắng của từng nhân viên trong nhóm hoặc công ty. Việc nhìn nhận và đánh giá đúng năng lực của từng nhân viên sẽ giúp họ cảm thấy được trân trọng và tâm huyết hết mình với công việc.

Đặc biệt, nếu nhân viên gặp khó khăn hay thất bại trong công việc, nhà quản lý tuyệt đối không nên đổ lỗi và thờ ơ trước sự thất bại này. Hãy cùng nhân viên nhận trách nhiệm và tìm kiếm giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Điều này sẽ không chỉ giúp khích lệ tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nhân viên mà còn tăng cường sự gắn kết tinh thần đồng đội của cả nhóm.

Đừng chỉ đạo mà hãy cộng tác

Một nhà quản lý thông minh sẽ không bao giờ làm việc theo nguyên tắc ra lệnh cho nhân viên và yêu cầu họ làm việc theo ý kiến chủ quan của bản thân. Thay vì luôn bắt ép nhân viên phải làm những việc theo sự chỉ đạo, các nhà quản lý nên đưa ra lý do và mục tiêu cần đạt được trong công việc.

Ngoài ra, hãy lắng nghe những phản hồi, ý kiến đóng góp và sự sáng tạo của mỗi nhân viên khi thực hiện những dự án mới. Điều này sẽ giúp cho các nhà quản lý có một định hướng đúng đắn và cách nhìn toàn diện hơn để mang đến hiệu quả cao nhất trong công việc.

Quản lý con người chứ không phải con số doanh thu

Nếu các nhà quản lý chỉ chú ý tới những con số doanh thu trên những bản báo cáo hàng ngày, hàng tuần thì họ sẽ không thể thúc đẩy hiệu quả năng suất làm việc của nhân viên. Đừng đánh giá nhân viên chỉ thông qua những con số mà các nhà quản lý mong muốn đạt được.

Nhà quản lý nên nhìn vào sự nỗ lực cố gắng của từng nhân viên và tìm hiểu sự khó khăn để hoàn thành những con số đó. Hãy thường xuyên trao đổi, lắng nghe những phản hồi và tâm tư của nhân viên thay vì cách mà các nhà quản lý vẫn thường làm đó là quản lý trên báo cáo và số lượng.

Ngừng theo dõi nhân viên 

Hiệu quả của công việc không nằm ở chỗ nhân viên có làm việc theo đúng thời gian và quy định của công ty hay không. Các nhà quản lý không cần phải kiểm soát quá chặt chẽ tất cả các hành vi và thói quen của nhân viên.

Điều này chỉ khiến cho họ cảm thấy mệt mỏi, phiền hà, bị theo dõi và luôn tìm cách để đối phó với điều đó. Vì vậy, hãy tạo cho nhân viên một môi trường làm việc thoải mái, linh hoạt và chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả công việc tốt nhất.

Khuyến khích cạnh tranh lành mạnh

Một chút cạnh tranh trong công việc sẽ giúp nhân viên thúc đẩy tinh thần và sự nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nhà quản lý chỉ nên khuyến khích sự cạnh tranh công bằng giữa các nhân viên trong công việc thay vì chỉ chú ý tới kết quả và sự thắng thua trong các dự án.

Đặc biệt, nhà quản lý không nên khuyến khích sự cạnh tranh khốc liệt trong cùng một team vì điều này có thể khiến sự gắn kết trong team bị chia rẽ và ảnh hưởng tới tinh thần làm việc nhóm của cả đội. Hãy khuyến khích sự đoàn kết trong một nhóm để cạnh tranh lành mạnh với các nhóm khác trong công ty.

Đừng nghĩ rằng sếp là biết tất cả 

Nhiều nhà quản lý luôn nhầm tưởng rằng họ thực sự thông minh và hiểu biết hơn nhân viên của họ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhân viên có thể hiểu biết và đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo cho công việc hơn những gì mà các nhà quản lý thường suy nghĩ.

Vì vậy, nhà quản lý nên đặc biệt lắng nghe suy nghĩ và khuyến khích những ý kiến đóng góp từ chính những nhân viên mà họ quản lý.

Truyền đạt cụ thể những mong muốn đến nhân viên 

Trên thực tế, nhiều nhà quản lý thường mong muốn nhân viên có thể hiểu suy nghĩ và mong muốn của họ trong công việc. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, nhà quản lý nên truyền đạt rõ ràng và cụ thể những mục tiêu mong muốn nhân viên làm được. Điều này sẽ giúp nhân viên hiểu rõ mục đích và nỗ lực bản thân cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.

Đào tạo nhân viên mỗi ngày

Nhân viên luôn muốn học hỏi kinh nghiệm làm việc từ chính những người quản lý của họ. Vì vậy, các nhà quản lý nên hướng dẫn, chỉ bảo và góp ý thẳng thắn với nhân viên mỗi ngày để tập trung phát triển tư duy và cách làm việc của từng nhân viên.

Sự thống nhất trong quản lý công việc và sáng tạo riêng của từng cá nhân sẽ mang đến hiệu quả tốt nhất trong công việc.

Luôn có trách nhiệm với quyết định của mình 

Các nhà quản lý luôn là những người phải đưa ra những quyết định và chịu trách nhiệm với chính những quyết định đó.

Vì vậy, thay vì chỉ nói với nhân viên về những việc mà nhà quản lý đang xem xét, bạn nên cho họ biết, bạn đang suy nghĩ và mong muốn điều gì để đạt được hiệu quả cao nhất cho công việc chung của cả nhóm. Sự đóng góp ý kiến của nhân viên có thể giúp bạn đưa ra những quyết định chính xác và đúng đắn nhất trong công việc.


  • 03/02/2017 04:29
  • Nguồn: enternews.vn
  • 2441