“Tôi cảm thấy sốc. Tôi không chắc được dự án này có thể thành công hay không. Mọi người đều lo lắng về việc làm cách nào công nghệ máy ảnh phim có thể áp dụng vào mỹ phẩm và thực phẩm bổ sung”, Tashiro nói.
Thế nhưng, hiện nay mỹ phẩm và y tế lại là mảng mang lại lợi nhuận cao nhất cho Fujifilm, đóng góp 15% trong tổng lợi nhuận 21,7 tỉ USD năm 2016, theo báo cáo hằng năm của công ty này.
Quyết tâm thực hiện cuộc đại tu một cách quyết liệt và thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường là yếu tố giúp Fujifilm, từ một gã khổng lồ trong ngành nhiếp ảnh phim, trỗi dậy và tiếp tục phát triển khi “cơn sóng thần” kỹ thuật số tràn qua, nhấn chìm những người chơi không kịp thích ứng, trong đó có Kodak.
Được thành lập vào năm 1934, trải qua nhiều thập niên, Fujifilm gần như sở hữu vị trí độc tôn trong mảng phim chụp ảnh tại Nhật. Khi làn sóng kỹ thuật số đầu tiên xuất hiện vào những năm 1980, nó chỉ tạo tác động trong phạm vi thị trường doanh nghiệp. Fujifilm khi đó đã nhạy bén cho ra đời máy chiếu X-quang cung cấp cho bệnh viện.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Shigetaka Komori cho biết, "Công ty quyết định không bỏ qua công nghệ kỹ thuật số, bất chấp thực tế rằng việc này chẳng khác gì đi ngược lại hoàn toàn tầm nhìn của Công ty". Ông giải thích: “Nếu chúng tôi không bắt tay làm, công ty khác sẽ làm. Đó là lý do vì sao tôi quyết định Fujifilm sẽ phải dấn thân vào mảng kỹ thuật số và trở thành một nhân tố tiềm năng trong lĩnh vực này”.
Thế là năm 1988, Fujifilm ra mắt chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới: Thiết kế FUJIX DS-1P. Chiếc máy hình với thẻ nhớ có khả năng lưu trữ từ 5-10 bức ảnh, tự hào với chất lượng ảnh 1.1 megapixel. Tuy vậy, nó vẫn khá đắt đỏ với mức giá hơn 10.000 USD và được đa số các chuyên gia trong ngành báo chí sử dụng là chính.
“Đây không phải là mức giá mà một nhiếp ảnh gia nghiệp dư có thể chi trả... và độ phân giải vẫn còn có vấn đề. Vì thế, nhiếp ảnh kỹ thuật số không thể nào sánh kịp với nhiếp ảnh bình thường”, Komori cho biết.
Fujifilm tưởng rằng Hãng đã đi trước một bước nhưng thời đại kỹ thuật số vẫn chưa thực sự khởi đầu. Thị trường phim chụp ảnh thì vẫn phát triển. Đến năm 2001, 2/3 lợi nhuận của Công ty vẫn đến từ phim chụp ảnh.
Fujifilm đã từ bỏ mảng đầu tư kinh doanh mới, dù đã đi tiên phong với chiếc máy ảnh kỹ thuật số trước đó từ cả một thập niên. Hãng nhận định rằng ảnh in sẽ còn tồn tại và tiếp tục đầu tư hàng triệu USD vào dòng sản phẩm Instax Mini - máy ảnh chụp phim cho phép chụp và in ảnh trong tích tắc. Hàng triệu chiếc đã được bán ra vào năm 2002.
Nhưng không lâu sau đó, năm 2003, thời đại kỹ thuật số được mong đợi cuối cùng đã đến và nó là một “cú trời giáng” đối với Fujifilm. Doanh thu của phim ảnh giảm đến 1/3 trong chưa đầy 1 năm. Trong vòng 6 tháng, các cửa hàng từ việc bán được hơn 5.000 cuộn phim trong một ngày, chỉ bán được chưa đến 1.000 cuộn. Thị trường mang lại 2/3 lợi nhuận cho Công ty biến mất trong chớp mắt. Komori cho biết: “Ban đầu, tôi cho rằng phim màu sẽ không dễ dàng biến mất như vậy, nhưng kỹ thuật số thực sự càn quét mọi thứ trong khoảnh khắc”.
Thêm vào đó, thời điểm này lại xuất hiện một công nghệ mới mang tính đột phá - điện thoại di động. Yếu tố này cách mạng hóa nhiếp ảnh kỹ thuật số. Chụp ảnh kỹ thuật số rẻ hơn, nhanh hơn và Facebook Instagram, Twitter trở thành những cái tên tiên phong trong ngành nhiếp ảnh, ngay lúc doanh số điện thoại thông minh (smartphone) tăng nhanh. Sự thay đổi mạnh mẽ là điều Fujifilm cần lúc đó.
Bước thay đổi đầu tiên chính là quyết định đóng cửa các cơ sở sản xuất phim chụp ảnh, cắt giảm khoảng 5.000 việc làm. Công ty đã chi hơn 5 tỉ USD cho việc này, nhưng vẫn phải đối mặt với thách thức lớn trong việc tạo ra nguồn thu nhập mới.
Vì thế, Komori đưa ra kế hoạch đa dạng hóa Fujifilm vào các mảng công nghiệp dược phẩm, y tế và mỹ phẩm. Những ngành này gần như hoàn toàn không liên quan đến nhiếp ảnh, nhưng Fujifilm hiểu rằng công nghệ luôn có tiềm năng ứng dụng to lớn bên ngoài lĩnh vực nhiếp ảnh.
Công ty tích lũy được khoảng hơn 20.000 chất hóa học sau gần 1 thập niên nghiên cứu. Tất cả đều từng được dùng để phát triển phim chụp ảnh, nhưng giờ đây sẽ được dùng làm thành phần cho bộ phận sản xuất dược phẩm mới của Fujifilm.
Trong mảng mỹ phẩm, Công ty sử dụng cùng cách thức và chất hóa học được dùng để chống mờ màu ảnh vào việc ngăn da mặt không bị chảy xệ và nhợt nhạt.
Sampsa Samila - Giáo sư Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore, đã phải thốt lên ngạc nhiên: “Để có thể dùng ý tưởng này, sử dụng cùng một chuyên môn hóa học và ứng dụng vào một lĩnh vực hoàn toàn khác lạ là góc khám phá vô cùng thú vị”.
Hiện tại, Công ty nghiên cứu phát triển thuốc chống ung thư và bệnh suy thoái thần kinh như Alzheimer’s và các bệnh truyền nhiễm.
Rõ ràng, khả năng lãnh đạo tài ba và tầm nhìn xa của Komori đã lột xác Fujifilm từ một công ty nhiếp ảnh thành một doanh nghiệp khoa học đa dạng. Ngày nay, phim ảnh - phân khúc từng đóng góp đến 70% lợi nhuận của Fujifilm - chỉ chiếm dưới 1%. Nhưng tại sao Fujifilm vẫn tiếp tục giữ lại mảng này?
Komori cho biết Công ty sẽ luôn bảo tồn văn hóa nhiếp ảnh và giữ nó. “Nền văn hóa nhiếp ảnh là một trong những yếu tố con người không thể thiếu được... Chúng tôi không kiếm lợi nhuận từ nó, nhưng chúng tôi vẫn luôn đầu tư vào phim màu. Dù thế nào, chúng tôi cũng sẽ không từ bỏ nhiếp ảnh”.