Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế:
Minh bạch trong SX - KD, niềm tin của xã hội sẽ đến với EVN
Với những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, EVN là doanh nghiệp có vị thế độc quyền tự nhiên trong nền kinh tế Việt Nam. Vị
thế này chắc chắn sẽ tồn tại thêm một thời gian nữa, theo đúng lộ trình thị trường hóa ngành Điện mà Chính phủ đã thông qua. Vì vậy, tôi đánh giá cao việc ngay từ bây giờ, EVN đã và đang tích cực xây dựng hình ảnh EVN trở thành một Tập đoàn kinh tế lớn, mạnh, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và thân thiện với khách hàng.
Theo tôi, để thực hiện thành công mục tiêu này, trước hết, EVN cần minh bạch, có trách nhiệm giải trình về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình với xã hội. Đặc biệt là các vấn đề như: Cơ sở xây dựng giá bán điện được tính toán như thế nào, cơ cấu đầu tư của EVN ra sao…
Hình ảnh của một Tập đoàn kinh tế lớn mạnh, hiệu quả chỉ có thể tạo dựng trên nền tảng một hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại theo những chuẩn mực như các nước phát triển trên thế giới đã áp dụng, với sự giám sát, đánh giá thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội, từ đó, EVN thực sự vừa lớn mạnh, vừa không ngừng tự hoàn thiện mình, nâng cao hiệu quả hoạt động và sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh vì lợi ích của nền kinh tế cũng như của chính doanh nghiệp mình.
Để thân thiện với khách hàng và người dân, EVN cần tôn trọng khách hàng và người dân, cần nhận thức sâu sắc rằng, khách hàng không chỉ là người mua hàng, mà còn là nhà đầu tư thực sự của EVN: Chính họ đã nộp thuế cho Nhà nước để Nhà nước có tiền đầu tư hoặc trả nợ vay cho các công trình điện, chính họ cũng là chủ của những tài nguyên, tài sản mà Nhà nước giao cho EVN sử dụng.
Bên cạnh đó, người dân cũng mong được thấy một EVN có trách nhiệm và thân thiện với môi trường. Khi làm các công trình thủy điện phải tính đến nỗi lo thường trực về sự an toàn và xáo trộn cuộc sống của bao người dân sống ở khu vực đó. Hiểm họa hạt nhân ở các nước phát triển cũng đòi hỏi ta phải thận trọng khi làm điện hạt nhân. Mặt khác, cũng nên chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mà nước ta có điều kiện khai thác và không ít nhà đầu tư sẵn sàng vào cuộc.
Bà Phạm Chi Lan sinh năm 1945, là Chuyên gia kinh tế của Việt Nam, nguyên Tổng thư ký và Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.
Ông Phan Lê Khôi - Phó TGĐ, Phụ trách Chiến lược và Dịch vụ khách hàng Tập đoàn Truyền thông IB Group, Chuyên gia xây dựng thương hiệu tại Việt Nam:
Gắn trách nhiệm của thương hiệu với cộng đồng
Thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp. Một thương hiệu mạnh và có giá trị sẽ đem đến lợi thế cạnh tranh khi khách hàng phải lựa
chọn giữa nhiều sản phẩm hay dịch vụ khác nhau. Hơn tất cả, giá trị thương hiệu còn tạo ra lòng trung thành của khách hàng, tình yêu của công chúng.
EVN là tập đoàn nhà nước hoạt động trên lĩnh vực đặc thù là năng lượng, một trong những lĩnh vực nhạy cảm trong môi trường kinh doanh và xã hội hiện nay. Một chiến lược quản trị thương hiệu tốt là chiến lược tạo ra cho EVN hình ảnh có trách nhiệm với cộng đồng. Trong môi trường hoạt động và kinh doanh đặc thù, khi yếu tố cạnh tranh chưa tạo ra các sức ép hiện hữu, việc tạo dựng hình ảnh trách nhiệm sẽ giúp gắn kết EVN với cộng đồng, giúp EVN nhận được sự ủng hộ và chia sẻ từ cộng đồng trước những khó khăn, cũng như khi phải ra các quyết định có ảnh hưởng đến xã hội.
Để làm được điều này, EVN cần tạo ra các kênh giao tiếp đa dạng với công chúng, thông qua các chương trình xã hội, các diễn đàn trao đổi với các nhóm công chúng có tác động trực tiếp, các nỗ lực từ thiện dành cho những đối tượng được cả xã hội quan tâm. Ngoài ra, EVN nên xây dựng cho riêng mình các kênh giao tiếp như diễn đàn ngành, trao đổi các sáng kiến vì cộng đồng, gắn kết và chia sẻ với các hoạt động giáo dục, đào tạo, môi trường, tạo việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, EVN cũng cần nỗ lực tuyên truyền và giáo dục nội bộ để qua đó, tìm ra những cá nhân, những con người thực sự tiêu biểu,tạo nên giá trị thương hiệu từ góc độ nội bộ. Đây là yếu tố mang lại tác dụng song song khi thương hiệu sẽ được tạo dựng từ bên trong và tác động đến bên ngoài.
Xây dựng thương hiệu không phải là một giai đoạn mà là cả quá trình tồn tại của doanh nghiệp. Với vị trí là doanh nghiệp nhà nước lớn có tác động đến cả vĩ mô lẫn vi mô của nền kinh tế xã hội, EVN nhất thiết phải tạo dựng cho mình một hình ảnh thân thiện, chia sẻ và cùng gánh vác trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.
Ông Phan Lê Khôi tốt nghiệp chuyên ngành PR tại Tập đoàn Furniture Row Hoa Kỳ năm 1999. Ông là một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm cung cấp dịch vụ PR và truyền thông chuyên nghiệp tại Việt Nam với các hợp đồng cung cấp dịch vụ cho LG, Coca Cola, SCTV, Jubilee Tech International…
Bà Trần Thị Thái, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội:
Cần công khai chia sẻ thông tin
Tôi là một khách hàng của EVN, cũng như hàng triệu người dân Việt Nam sử dụng điện và quan tâm tới những vấn đề đặt ra cho ngành Điện.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt của người dân ngày một tăng cao. Chỉ cần một dây chuyền sản xuất đang vận hành bị ngừng lại đột ngột, thiệt hại kinh tế có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng. Đằng sau những hoạt động bình thường của các dây chuyền sản xuất ấy, là sự cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ những người làm điện.
Trên thực tế, đôi khi người tiêu dùng chỉ hình dung về EVN theo một cách không dễ chịu lắm, khi xảy ra sự cố về cung ứng điện, khi phải cắt điện luân phiên, hay khi chất lượng điện chưa tốt. Còn những việc EVN đã làm được lại gần như lặng thầm mà không nhiều người biết đến. Tôi hiểu và rất chia sẻ với EVN điều này.
Song, từ vị trí của những người dùng điện, tôi cũng muốn có được sự chia sẻ từ phía người cung cấp dịch vụ là EVN. Tôi thấy, việc tạo ra mối liên hệ mật thiết với khách hàng qua những đường dây nóng, các số điện thoại tổng đài hỗ trợ, tư vấn… chưa được thực sự chú trọng, chưa tạo cho khách hàng cảm giác là EVN lắng nghe họ.
Bên cạnh đó, là người quan tâm tới truyền thông, 1 năm qua, tôi đọc báo và thấy các tin bài liên quan tới các hoạt động của EVN là rất nhiều, chiếm tỷ lệ rất lớn so với các đề tài khác. Những người làm báo lên tiếng, những công dân lên tiếng qua báo chí… Nhưng tại các thời điểm đó, chúng tôi đã không nhận được những sự phản hồi kịp thời của EVN, để thông tin được trao đổi 1 cách khách quan, trung thực, có sự đối thoại, có thể là đối thoại trực tiếp để cả người sử dụng dịch vụ và người cung ứng dịch vụ có thể hiểu biết và chia sẻ, có sự đồng thuận với nhau.
Sự công khai chia sẻ các thông tin là điều rất quan trọng và nó tốt cho cả EVN, đồng thời cũng là yêu cầu của người tiêu dùng trong xã hội có trình độ dân trí ngày càng cao. Vậy, EVN nên bắt đầu từ sự cởi mở trong việc chia sẻ thông tin với các khách hàng, thông qua các kênh thông tin đại chúng.