
Các trung tâm dữ liệu luôn tiêu tốn rất nhiều điện năng. Ảnh: DeepAI
Cựu CEO của Google Eric Schmidt gần đây đã nắm quyền điều hành Relativity Space, một công ty khởi nghiệp chuyên về tên lửa đẩy không gian. Tham vọng của ông là một ngày nào đó đưa các trung tâm dữ liệu trực tiếp lên quỹ đạo, chạy bằng năng lượng mặt trời, với mục đích giảm thiểu tác động đến môi trường trên Trái đất.
Vài tuần trước, Eric Schmidt đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra trong tương lai tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Theo ông, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ dẫn đến việc tỉ trọng hoạt động của trung tâm dữ liệu trong mức tiêu thụ điện toàn cầu có thể tăng từ mức 3% hiện nay lên 99% trong tương lai. Một truy vấn đơn giản trên ChatGPT đòi hỏi nhiều tài nguyên hơn gấp 10 lần so với tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm thông thường.
Trước những thách thức này, Eric Schmidt đã đưa ra ý tưởng đặt cơ sở hạ tầng chuyên dụng trên quỹ đạo, sử dụng năng lượng mặt trời và làm mát bằng chân không của không gian.
Cách tiếp cận độc đáo này sẽ giảm thiểu tác động đến môi trường của các trung tâm dữ liệu trên Trái đất.
Relativity Space đã tạo dựng được tên tuổi cho mình khi phóng tên lửa in 3D đầu tiên, Terran 1, vào năm 2023. Hiện tại, công ty đang phát triển một mô hình phức tạp hơn, được gọi là Terran R, dự kiến phóng vào cuối năm 2026.
Ý tưởng là biến Terran R thành một bệ phóng có thể tái sử dụng để mang theo tải trọng trung bình và nặng, lên tới khoảng 30 tấn.
Do đó, Terran R được định vị là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Falcon 9 và Falcon Heavy của SpaceX (công ty của Elon Musk) và New Glenn của Blue Origin (công ty của Jeff Bezos). Một ngày nào đó Terran R có thể giúp đưa các trung tâm dữ liệu trong tương lai lên quỹ đạo.
Mặc dù dự án có phần kỳ quặc này đặt ra cho Relativity Space một số thách thức về kỹ thuật, nhưng sáng kiến này được định vị là giải pháp sáng tạo cho cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai do AI gây ra.
Sự xuất hiện của Eric Schmidt tại công ty khởi nghiệp này có thể thu hút sự chú ý và các nhà đầu tư trong một lĩnh vực hiện đang cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi rất nhiều vốn đầu tư.
Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, trong năm 2024, các trung tâm dữ liệu chiếm 1,5% lượng điện tiêu thụ trên toàn thế giới. Tỉ lệ này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, bằng tổng lượng điện tiêu thụ của Nhật Bản hiện nay.
Link gốc
Theo Báo Lao Động
Share