Bàn về đào tạo trực tuyến (E-leaning) tại EVN: Xu thế và lợi ích

09:56, 22/04/2018

Ứng dụng E-leaning trong đào đạo nguồn nhân lực là xu hướng phát triển bền vững cho các công ty, tập đoàn trong quá trình hội nhập. Là một ngành kỹ thuật đặc thù, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức gì khi áp dụng hình thức đào tạo thời công nghệ số?

Lợi thế của E-leaning 

Giáo dục trực tuyến E-leaning là hình thức ứng dụng công nghệ hỗ trợ quá trình đào tạo. Với E-leaning, người học có thể học mọi lúc mọi nơi, giáo viên có thể chuyển tải kiến thức cho học viên với số lượng không giới hạn trong thời gian ngắn. Người quản lý có thể xác định được hiệu quả đào tạo, từ đó xây dựng nội dung chương trình đào tạo hợp lý. 

Theo thống kê ở Mỹ, 77% các công ty sử dụng đào tạo trực tuyến, 80% các nhân viên đã từng sử dụng E-leaning để nâng cao kiến thức cho mình. Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng ứng dụng E-leaning cao hàng đầu trong khu vực châu Á (với 40% theo báo cáo của Hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến Dobeco), đồng thời, có hơn 100 đơn vị đang khai thác thị trường giáo dục trực tuyến.  

Có thể nêu những lợi ích thiết thực của E -Learning:

1. Giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu bằng cách giảm thời gian và chi phí đào tạo, tổ chức đào tạo nhân viên, đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, chăm sóc và trả lời khách hàng tốt hơn.

2. Giúp tăng tốc đào tạo và linh hoạt trong triển khai các hoạt động đào tạo cho nhiều doanh nghiệp tại cùng một lúc, không mất nhiều thời gian, tiền bạc, cùng lúc có thể đào tạo được số lượng lớn học viên.

3. Ngày nay, quản trị sự biến động bất thường trong sản xuất - kinh doanh là rất quan trọng, nhiều doanh nghiệp cần có ngay các giải pháp đáp ứng nhanh biến động của thị trường. Vì vậy, quá trình đào tạo cũng phải thay đổi nhanh, phù hợp với những biến động đó. Thời gian phải nghỉ việc để đi học chính là cản trở lớn nhất vì ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. E-leaning có thể hỗ trợ giải quyết việc này bằng cách giảm thời gian đi lại đến địa điểm đào tạo và có thể chia nội dung đào tạo ra thành các phần nhỏ, giúp nhân viên có thể tham gia học tập khi bố trí thời gian hợp lý. 

4. Tạo thuận lợi doanh nghiệp trong quá trình “giữ chân” nhân viên, đồng thời kích thích và nuôi dưỡng mọi nỗ lực quản trị tri thức. Trong thời đại kinh tế tri thức, việc tuyển dụng và “giữ chân” các nhân viên giỏi là điều rất khó. Lương bổng không phải là vấn đề duy nhất để họ chọn công ty này hay công ty khác.
5. Hỗ trợ các cá nhân tiến bộ nhanh hơn: Bởi có thể bắt đầu khóa đào tạo mà không cần có đầy đủ học viên, giúp học viên nhanh chóng tiếp thu được các kiến thức và kĩ năng cần thiết. Người học không cần phải nghỉ việc, hoàn toàn chủ động tạo ra lịch học riêng...

E-leaning tạo nên diện mạo mới cho bức tranh giáo dục và đào tạo tại Việt Nam - Ảnh minh họa

Xây dựng E-leaning trong EVN

 

Kế hoạch triển khai đào tạo trực tuyến của EVN:

Tháng 7/2018:

- Thử nghiệm phần mềm E-leaning; xây dựng 15 bài giảng E-leaning thử nghiệm tại các cấp theo lĩnh vực.

- Mỗi tổng công ty xây dựng 15 bài giảng E-leaning.

- Các đơn vị: Công ty Thủy điện Sơn La, Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin xây dựng các bài giảng về các nội dung cụ thể liên quan đến lĩnh vực hoạt động và các tình huống của đơn vị. 

Tháng 11/2018:

- Ban Tổ chức & Nhân sự, Viễn thông & CNTT tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm với các bài giảng E-leaning.

EVN có số CBCNV lớn, sử dụng nhiều thiết bị kĩ thuật hiện đại, bố trí trên phạm vi cả nước. Đặc thù của ngành Điện là có hàm lượng KHCN cao, nếu tổ chức đào tạo theo cách truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn như: Thời gian đào tạo dài, chi phí đào tạo lớn, ảnh hưởng đến kết quả làm việc của người được cử đi đào tạo cũng như các phòng ban có nhân sự liên quan. Sử dụng E-leaning một cách hợp lý là lựa chọn tốt nhất cho quá trình chuẩn hóa đào tạo của EVN.

Khi ứng dụng E-leaning, EVN sẽ có được nhiều lợi ích. Thông qua E-leaning, Ban lãnh đạo EVN sẽ biết được “bức tranh toàn cảnh” về đào tạo nguồn nhân lực, năng lực nội tại, xác định được sức mạnh kiến thức của Tập đoàn nằm ở đâu. Thông qua E-leaning, EVN hoàn toàn có thể xác định được mức độ ROI (tỉ lệ hoàn vốn trong đầu tư, được dùng đánh giá kết quả đào tạo nhân viên hiệu quả) cho việc đầu tư đào tạo như thế nào là hiệu quả? 

Với bộ phận quản lý đào tạo và các phòng, ban chức năng, dễ dàng quản lý được trình độ, nội dung đào tạo của nhân viên, từ đó xác định và phân công công việc một cách hợp lý. Với nhân viên, họ sẽ xác định được cần học những nội dung gì là chủ yếu. Khi họ muốn thăng tiến, bổ sung kiến thức chuyên ngành thì cần học thêm những kiến thức gì. Từ đó, có thể chủ động sắp xếp thời gian học hợp lý, có thể vào buổi tối, vào những ngày cuối tuần… không ảnh hưởng tới công việc hàng ngày.

Tuy nhiên, không phải hình thức đào tạo nào cũng mang lại hiệu quả khi đưa lên online. Những hình thức mang tính tương tác, cảm xúc, tính đồng đội sẽ cần linh hoạt trong quá trình ứng dụng công nghệ giáo dục. Ngoài ra, những khóa học chuyên sâu tập trung vào một nhóm nhỏ người sử dụng cũng cần cách triển khai phù hợp.

Để có thể áp dụng đào tạo trực tuyến một cách hiệu quả trong Tập đoàn, cần quan tâm đến ba vấn đề: Hệ thống công nghệ; Nội dung; Phương thức vận hành.

Hệ thống công nghệ (LMS): Hệ thống công nghệ cần đủ mạnh, đáp ứng đầy đủ quá trình quản lý học liệu và quản lý người sử dụng. Ngoài ra, hệ thống cần xây dựng các báo cáo đặc thù, khả năng trao đổi thông tin với các hệ thống quản lý khác. Một hệ thống quản lý học liệu tốt cần quản lý đa dạng loại hình học tập, tất cả các kết quả học tập đều được lưu trữ đầy đủ, có thể đánh giá hiệu quả đào tạo và quy trình KPI cũng như ROI đào tạo. Hệ thống quản lý người sử dụng được phân chia ra nhiều mức độ khác nhau từ mức độ quản lý đào tạo và người học hay phân cấp theo chức vụ để xây dựng bản đồ học tập hằng năm/ trọn đời cho mỗi nhân viên, đảm bảo tính cá nhân hóa học tập. Hệ thống hỗ trợ quy trình chăm sóc người học, giúp người học tiếp nhận nội dung tốt nhất.

 Nội dung đào tạo: Nội dung đào tạo có thể tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau như, nội bộ, các trung tâm đào tạo, các đơn vị nước ngoài; Hình thức đào tạo cũng có sự lựa chọn khác nhau như, khóa học VOD (video on demand – được ghi hình lại), các khóa học realtime (học theo thời gian thực), các khóa học blended và flipped learning (học theo hình thức kết hợp hoặc đảo ngược), các khóa học offline, các khóa học training on job... Các khóa học cần đảm bảo tiêu chí đào tạo và hiệu quả chung. Nội dung đưa vào hệ thống cũng dựa vào tiêu chuẩn E-leaning.

Phương thức vận hành: Dựa trên thế mạnh của hệ thống LMS, trước tiên, EVN cần xây dựng được “ma trận” học tập cho các nhân viên. Xác định các hình thức đào tạo, tùy theo mức độ cấp bách, xác định khả năng kinh phí để quyết định sử dụng nội dung mới xây dựng, mua hay trả phí theo lượt sử dụng... Đặc biệt, việc vận hành chương trình học cần quan tâm tới khả năng trải nghiệm của từng cá nhân, thông qua các chỉ số hệ thống về chăm sóc học viên, giúp học viên đạt được mục tiêu cá nhân tốt nhất, từ đó, đảm bảo mục tiêu chung của Tập đoàn.

Với từng giai đoạn cụ thể, cần kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo trực tuyến Online và đào tạo trực tiếp - Offline. Tuy nhiên, kết quả học tập phải được cập nhật vào hệ thống trực tuyến, giúp cho việc kiểm soát và đánh giá tổng thể được chính xác hơn. Những khóa học có nhiều lý thuyết (nghiệp vụ, kỹ năng mềm, các khóa kiến thức chung xã hội; kiến thức ngành; các quy định, quy chế); các khóa cần thực hành bài tập nhiều (các khóa kỹ thuật cơ bản); các khóa học ngoại ngữ cơ bản… khuyến cáo nên sử dụng hình thức đào tạo Online. 

Những khóa học thiên về làm việc nhóm, khích lệ tinh thần tập thể, tương tác cảm xúc… nên sử dụng hình thức đào tạo Offline. Tất nhiên sẽ có những khóa học kết hợp cả Online lẫn Offline để tăng mức hiệu quả của cả 2 loại hình. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp thường sử dụng cả hai hình thức đào tạo, trong đó, khóa học Online chiếm 80% và 20% dành cho các khóa học Offline. 

Th.S Nguyễn Trí Hiển - chuyên gia lĩnh vực Edtech


Theo TCDL chuyên đề Quản lý & Hội nhập

Share