
Các phóng viên, biên tập viên tham dự Hội nghị Tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Hội nghị có sự tham gia của ông Nguyễn Tiến Cường - Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương; ông Đặng Hải Dũng – Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương); TS. Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực; ông Nguyễn Đình Hiệp – Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam; TS. Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lãnh đạo Ban Môi trường và Phát triển bền vững, Ban Kinh doanh và Mua bán điện.

Ông Đặng Hải Dũng – Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương phát biểu
Khai mạc hội nghị, ông Đặng Hải Dũng – Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương nhấn mạnh, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện là những giải pháp cấp thiết, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện chính sách, thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp tiết kiệm năng lượng, quản lý nhu cầu điện, phát triển công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng. Trong quá trình triển khai các chủ trương lớn ấy, công tác truyền thông giữ vai trò hết sức quan trọng. Những thông tin chính xác, kịp thời, gần gũi và có chiều sâu về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả chính là “chìa khóa” để lan tỏa nhận thức, khơi dậy trách nhiệm cộng đồng và thúc đẩy thay đổi hành vi trong toàn xã hội.
Ông Đặng Hải Dũng đánh giá cao sự đồng hành của Báo Công Thương trong triển khai thực hiện chương trình VNEEP 3. Đồng thời ghi nhận sự đồng hành của lãnh đạo, chuyên gia đến từ Hội Nhà báo Việt Nam, Hội sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Trường Đại học Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cùng các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền lĩnh vực này thời gian qua.

Bà Lê Thị Thúy Lan – Trưởng ban Môi trường và Phát triển bền vững EVN phát biểu
Trao đổi về tình hình thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và kinh nghiệm triển khai công tác tuyên truyền tiết kiệm điện của EVN, bà Lê Thị Thúy Lan - Trưởng ban Môi trường và Phát triển bền vững EVN cho biết, EVN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, chính quyền địa phương, báo chí và các tổ chức đoàn thể để tổ chức truyền thông sâu rộng, đồng bộ và hiệu quả.
Cụ thể, năm 2023, cả nước tiết kiệm được 5.298 triệu kWh, tương đương 2,1% sản lượng điện thương phẩm. Năm 2024, con số này tăng lên 6.506 triệu kWh – tương đương 2,46% điện thương phẩm. Giai đoạn 2023-2025, hơn 9,9 triệu lượt người dân được tư vấn trực tiếp và gián tiếp về cách sử dụng điện an toàn và tiết kiệm. Các chương trình tiêu biểu do các đơn vị Điện lực tổ chức như “Gia đình tiết kiệm điện”, “Tiết kiệm điện học đường”, “Tiết kiệm điện công sở” cũng thu hút hàng trăm nghìn gia đình, học sinh và công chức tham gia, góp phần lan tỏa ý thức sử dụng năng lượng hiệu quả trong cộng đồng.
Tại buổi tập huấn, các phóng viên, biên tập viên được cập nhật các thông tin chính sách, pháp luật mới về tiết kiệm năng lượng. Các chuyên gia cũng trao đổi kỹ năng tác nghiệp báo chí trong lĩnh vực năng lượng bao gồm cách khai thác, sử dụng thuật ngữ kỹ thuật, xây dựng câu chuyện và góc nhìn mới để tiếp cận bạn đọc.
Thông qua chương trình, Bộ Công Thương kỳ vọng đội ngũ phóng viên, biên tập viên sẽ trở thành những cầu nối truyền thông mạnh mẽ, đưa thông tin chính thống, khoa học và gần gũi về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các tổ chức chính trị – xã hội. Công tác truyền thông góp phần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
T.Hương
Share