Các huyện đảo được cấp điện ổn định 24/24 giờ không chỉ giúp người dân cải thiện, nâng cao điều kiện sống mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng...
Huyện đảo đặc biệt
Về địa giới hành chính, huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, nếu theo phân cấp cung cấp điện thì huyện đảo Trường Sa thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung nhưng với nhiều điều kiện đặc thù như cách xa đất liền, điều kiện đi lại khó khăn... nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định bàn giao lại cho EVNSPC quản lý, cung cấp điện.
Ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng giám đốc EVNSPC tâm niệm: "Cán bộ nhân viên Tổng công ty luôn xem nhiệm vụ cấp điện cho quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 là một vinh dự, qua đó chúng tôi như góp một phần nhỏ bé để đảm bảo điều kiện sống của người dân trên đảo gần hơn với đất liền, củng cố an ninh quốc phòng nơi tuyến đầu tổ quốc".
CBNV Điện lực miền Nam kiểm tra hệ thống pin năng lượng mặt trời trên quần đảo Trường Sa - Ảnh: Ngọc Tuấn
|
Trước khi được bàn giao, tiếp nhận hệ thống điện ở quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, EVNSPC cũng đã cử đoàn công tác ra các đảo, nhà giàn để khảo sát hệ thống nguồn và lưới điện. Hiện các đảo đều đang sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tuy nhiên kết quả khảo sát cho thấy 70% tấm pin năng lượng mặt trời vẫn còn tốt, nhưng hệ thống ắc quy đã xuống cấp trầm trọng.
Với hệ thống điện gió, 80% thiết bị không còn khả năng cung cấp điện, các trục quay và bo mạch điều khiển tua bin điện gió bị hư hỏng vì không được bảo trì và bảo dưỡng định kỳ. Trong điều kiện kỹ thuật, vật tư còn hạn chế nên việc khôi phục, vận hành trở lại hệ thống này là chuyện bất khả thi... Thực tế trên cũng giúp cán bộ, nhân viên EVNSPC rút "kinh nghiệm" trong quá trình đầu tư, cải tạo các thiết bị điện trong thời gian tới đảm bảo phù hợp với môi trường biển.
Các chế độ chính sách như đất liền
Để cụ thể hóa cấp điện cho huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, Điện lực Trường Sa thuộc Công ty Điện lực Ninh Thuận đã được thành lập trực tiếp phụ trách công tác cấp điện cho xã đảo này.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán, EVNSPC sẽ thực hiện cải tạo lại hệ thống điện từ các tấm pin năng lượng mặt trời, hệ thống chiếu sáng tại các đảo chìm, nhà giàn, giai đoạn tiếp theo sẽ thay thế các tua bin gió cũng như kế hoạch cấp điện bằng diesel. Tổng vốn dự kiến thực hiện hai giai đoạn trên khoảng 145 tỉ đồng.
Do vị trí địa lý xa đất liền, việc đi lại khó khăn nên định kỳ hàng quý, đoàn công tác ngành Điện ra các cụm đảo, nhà giàn để thực hiện công tác kiểm tra, bảo trì... Mục tiêu EVNSPC sẽ cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho các đảo, nhà giàn.
Về các chế độ chính sách, ông Nguyễn Phước Đức cho biết việc cung cấp dịch vụ về điện, giá điện không chỉ riêng ở Trường Sa, nhà giàn mà các đảo khác đều thống nhất như ở đất liền.
Lá cờ đầu trong cấp điện cho biển đảo
Trong những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiếp nhận, quản lý vận hành và đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đảm bảo cung cấp điện tại 11/12 huyện đảo của cả nước, trong đó EVNSPC là đơn vị trực tiếp cấp điện cho 5 huyện đảo là: Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quý (Bình Thuận) và hiện là Trường Sa (Khánh Hòa), trong đó nhiều huyện đảo là cụm đảo chứ không phải là đảo riêng lẻ.
Hình thức cấp điện tại các huyện đảo trên khá đa dạng gồm các đường dây ngầm, nổi vượt biển, cấp điện bằng pin năng lượng mặt trời, điện gió và cả diesel. Trong kế hoạch từ nay đến năm 2020, EVNSPC sẽ tiếp tục phát triển lưới điện một số khu vực Tây Nam như: Nam Du, An Sơn, Tiên Hải, Hòn Thơm...
|
Theo Báo Tuổi trẻ
Share