Chủ trì Hội thảo gồm có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Y Thanh Hà Niê K'đăm - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới với nền kinh tế nhiều thành phần, DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng - an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn.
|
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các DNNN hiện đang chi phối hoặc có ảnh hưởng trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của quốc gia như năng lượng, ngân hàng, viễn thông, lương thực,... với thị phần tương đối lớn. Ngoài ra, DNNN còn thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị - xã hội, làm "đầu tàu", tạo động lực phát triển để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia; góp phần vào việc ổn định an ninh, chính trị, cũng như trực tiếp tham gia thực hiện an sinh xã hội, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bên cạnh các thành công trên, theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các DNNN chưa được cải thiện nhiều. Việc thực hiện quản lý nhà nước đối với DNNN còn bất cập. Về cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, gặp nhiều khó khăn,...
"Những tồn tại, hạn chế có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu đến từ cơ chế, chính sách đối với khu vực này. Chính vì vậy, để thúc đẩy DNNN phát triển bền vững, rất cần thiết nhận diện những điểm "nghẽn" trong cơ chế, chính sách đối với phát triển DNNN, để từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới" - GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ.
Tham luận tại hội thảo, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, EVN đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao về giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an ninh quốc phòng của đất nước, làm nòng cốt để ngành công nghiệp điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.
Trong thời gian qua, các cơ chế, chính sách trong hoạt động điện lực luôn được Đảng, Chính phủ và các cấp quan tâm, chú trọng, trong đó các văn bản qui phạm pháp luật về lĩnh vực điện lực ngày càng được hoàn thiện, tạo được hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động điện. "Nhờ đó quy mô ngành Điện Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2010 - 2020, đảm bảo an ninh năng lượng để góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và là nguồn lực quan trọng để phát triển các ngành lĩnh vực khác" - đồng chí Dương Quang Thành khẳng định.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu tham luận tại hội thảo.
|
Tại sự kiện này, Chủ tịch HĐTV EVN kiến nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong hoạt động điện lực, phù hợp xu hướng hội nhập và lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới. Trong đó, cần sớm rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về lĩnh vực điện lực; có cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian đầu tư các dự án điện, chính sách hỗ trợ về tài chính, giải phóng mặt bằng cho dự án điện và xử lý vướng mắc pháp lý liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Những kiến nghị trọng tâm khác của Tập đoàn như: cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, có xét đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến việc tái chế, sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng. Từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị trong ngành năng lượng cũng như những ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều điện năng, đảm bảo việc sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng, nhiên liệu dài hạn kết hợp với khuyến khích đầu tư, khai thác tài nguyên năng lượng ở nước ngoài để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện.
Xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển điện lực. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế giá điện đảm bảo các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành Điện, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.
Hải Yến
Share