Trong mùa hè oi bức, nóng nực, máy điều hoà gần như trở thành vật dụng không thể thiếu trong các gia đình đô thị. Đây là thiết bị tiêu thụ lượng điện năng rất lớn, do đó mùa hè cũng là thời gian mà chi tiêu tiền điện tăng cao nhất trong năm.
Kiểu dùng điều hoà tưởng tiết kiệm nhưng rất tốn điện
Việc dùng điều hoà đúng cách sẽ giúp tăng hiệu quả làm mát và tiết kiệm năng lượng. Ngược lại nếu dùng sai cách, máy điều hoà sẽ "ngốn" điện khủng khiếp.
Nhiều người có thói quen khi bật điều hoà sẽ đặt nhiệt độ cực thấp để nhanh làm mát phòng, sau đó tắt đi, khi nóng mới bật lại. Họ cho rằng với giải pháp này, thiết bị sẽ tiêu thụ rất ít điện. Dùng điều hoà kiểu này tưởng tiết kiệm nhưng lại khiến tiền điện tăng chóng mặt. Theo các chuyên gia điện máy, việc bật/tắt điều hoà liên tục sẽ làm máy nén, cơ động quạt phải khởi động nhiều lần nên khá tốn điện và làm giảm tuổi thọ của thiết bị.
Cách sử dụng điều hoà đúng, đạt hiệu quả làm mát là nên để mức chênh lệch nhiệt độ giữa trong phòng và bên ngoài khoảng 5 - 7 độ C, hoặc duy trì nhiệt độ phòng cố định ở mức 26 - 28 độ C, vừa bảo vệ sức khoẻ vừa bảo vệ máy, tiết kiệm điện. Bạn có thể cài giờ để điều hoà tự tắt sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ làm mát của mình.
Các loại điều hoà hiện nay hầu như đều dùng máy nén biến tần (inverter) có khả năng tự điều chỉnh cường độ hoạt động so với mức nhiệt cài đặt, bảo đảm nhiệt độ trong phòng không biến thiên quá nhiều nên có khả năng tiết kiệm điện, bạn không cần quá lo lắng.
Một số sai lầm khi sử dụng điều hoà
Ngoài cách dùng hoà tưởng tiết kiệm nhưng thật ra cực kỳ tốn điện đã nêu trên, bạn còn cần tránh những sai lầm sau khi mua và sử dụng loại thiết bị này.
Mua điều hoà cũ
Một số người cho rằng mua điều hoà cũ là bài toán kinh tế hiệu quả, tốn ít tiền nhưng vẫn có thiết bị để làm mát trong mùa hè. Tuy nhiên, điều hoà cũ thường có hiệu quả làm mát không cao do động cơ yếu, lại tiêu hao điện năng nhiều hơn.
Thêm nữa, nếu không có kinh nghiệm mua hàng, bạn có thể mua phải máy quá cũ, kém chất lượng, quá trình mang về sử dụng rất dễ hỏng hóc, trục trặc, phải bảo trì liên tục. Một số loại điều hoà cũ không có linh kiện thay thế nên sẽ càng gây tốn kém và rủi ro.
Lười vệ sinh, bảo trì
Cả cục nóng và dàn lạnh của điều hoà khi treo trên tường đều có khả năng bám dính bụi bẩn hoặc bị côn trùng từ bên ngoài bay vào, giảm hiệu quả làm mát và tiêu thụ nhiều điện hơn.
Dàn mát nếu dính nhiều bụi bẩn sẽ ngăn điều hoà thổi khí lạnh vào phòng, thậm chí còn phả ra những mùi khó chịu cho căn phòng của bạn. Bụi bẩn, côn trùng bám ở cục nóng sẽ khiến quạt bị tắc nghẽn, không thông gió, dễ gây hỏng hóc, cháy nổ.
Do đó, để điều hoà hoạt động tốt, mỗi năm bạn có thể tự tháo lớp màng lọc ở dàn lạnh để vệ sinh một vài lần mỗi khi chuyển mùa. Còn việc bảo trì điều hoà thì có thể làm 1 - 2 năm một lần, tuỳ vào nhu cầu, thực tế sử dụng của mỗi gia đình.
Lắp điều hoà quá sát trần
Để điều hoà đem lại hiệu quả làm mát tối đa, khi lắp thiết bị, bạn cần lưu ý lắp dàn lạnh cách trần ít nhất 20 - 30cm bởi cửa hút gió của điều hoà thường nằm ở mặt trên, nếu lắp quá sát trần nhà sẽ làm giảm khả năng hút gió.
Không dùng điều hoà kèm quạt
Quạt có khả năng phân bổ hơi mát của điều hoà nhanh và rộng hơn nên sẽ tạo cảm giác thoáng, mát mẻ. Do đó trong phòng điều hoà, bạn nên sắm thêm một chiếc quạt cây nhỏ, công suất thấp. Hiện nay, thị trường có những chiếc quạt kèm chế độ phun sương, bạn vừa có thể dùng quạt để phân bổ đều hơi lạnh của điều hoà vừa bật chế độ phun sương để cân bằng độ ẩm trong phòng.
Link gốc
Theo vtcnews.vn
Share