EVN cần làm gì để đảm bảo đủ điện?

09:46, 19/04/2019

Năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Nguồn cung ít, giá nhiên liệu đầu vào liên tục gia tăng

Không được để thiếu điện - đó là nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, trong đó, chịu trách nhiệm chính là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo báo cáo của EVN, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của phụ tải giai đoạn 2016-2030, mỗi năm, hệ thống điện phải bổ sung khoảng 6.000 – 7.000 MW công suất. Điều đáng lưu ý, trong khi nguồn điện dự phòng hiện gần như không còn, các dự án điện của các nhà sản xuất điện độc lập (IPP) nằm trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh không thể đưa vào vận hành theo đúng tiến độ.

Trong bối cảnh đó, điều tưởng như đáng mừng là trước tháng 6/2019, một loạt các nhà máy điện mặt trời sẽ được đưa vào vận hành, bổ sung công suất cho hệ thống điện, thế nhưng các nhà máy này lại tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung, gây quá tải cục bộ cho lưới điện truyền tải. Cùng với đó là sự suy giảm về nguồn khí; các hồ thủy điện miền Trung thiếu hụt nguồn nước do hiện tượng El Nino. Vì vậy, để đảm bảo cung ứng đủ điện, EVN buộc phải huy động các nguồn điện chạy dầu, giá thành sản xuất điện cao.

Thiếu nhiên liệu đầu vào cũng là một vấn đề mà EVN đang phải đối mặt. Năm 2019, nguồn than trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu của các nhà máy nhiệt điện. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc phải nhập khẩu than và tiến hành pha trộn với than trong nước. Theo tính toán sơ bộ, việc sử dụng than pha trộn sẽ làm tăng giá thành sản xuất điện, dẫn đến giá mua điện của EVN và các đơn vị thành viên tăng thêm khoảng 1.490 tỷ đồng. Đó là chưa kể, trong năm 2018, giá than cũng được điều chỉnh tăng 5%, làm tăng thêm chi phí đầu vào của sản xuất điện. 

Cùng với đó, giá khí bao tiêu cũng tăng, ngành Điện còn phải chịu thêm phí và thuế bảo vệ môi trường đối với nhiệt điện than, phí chênh lệch tỉ giá, cộng thêm việc huy động các nguồn điện có giá thành cao… làm cho chi phí đầu vào của sản xuất điện dự kiến sẽ tăng thêm khoảng hơn 20.000 tỷ đồng. 

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, Tập đoàn đã kiến nghị Nhà nước, Bộ Công Thương cho phép phát triển các trung tâm điện lực, bổ sung nguồn cung cho hệ thống điện quốc gia. Cùng với đó, EVN khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển các dự án điện từ năng lượng tái tạo như, điện gió, điện mặt trời… EVN cũng nỗ lực đảo bảo nguồn nhiên liệu như than, khí cho các nhà máy; chủ động nâng cao độ tin cậy, khả dụng của các tổ máy đồng thời triển khai các biện pháp để kiểm soát nhu cầu phụ tải, tăng cường tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, Tổng giám đốc EVN cũng nhận định, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước năm 2019, nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước. 

Phụ tải điện tăng trưởng nhanh trong khi nguồn cung vào không nhiều khiến công tác đảm bảo điện của EVN gặp không ít khó khăn

Các chuyên gia “mách nước”

Tại buổi làm việc mới đây giữa EVN với các chuyên gia kinh tế độc lập, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, EVN đang phải “gánh” nhiều trách nhiệm không phải của một doanh nghiệp, như việc cung cấp điện cho các vùng sâu, vùng xa, hải đảo... với chi phí đầu tư, quản lý vận hành rất lớn, trong khi nhu cầu sử dụng điện thực tế ở những nơi này thường thấp.

TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị, việc đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân không chỉ là trách nhiệm riêng của EVN, mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp cung ứng điện khác. EVN chỉ sở hữu khoảng 60% nguồn điện, kể cả ở những DN đã cổ phần. 

Đồng tình với TS Nguyễn Đình Cung, TS.Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu ví ngành Điện Việt Nam là một cơ thể, thì EVN là xương sống nhưng không có nghĩa EVN phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về cơ thể đó. EVN có trách nhiệm đảm bảo điện, nhưng Tập đoàn chỉ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về khâu truyền tải và phân phối, còn khâu phát điện là trách nhiệm chung của cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư khác... 

Theo bà Phạm Chi Lan – Nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay, Việt Nam vẫn còn bao cấp giá điện, nên nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, tiêu hao nhiều điện năng, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất thép, xi măng... Do đó, Việt Nam cần xóa bỏ bao cấp giá điện, chấp nhận giá điện cao hơn, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời, cần phải tăng cường tiết kiệm điện, bởi EVN đang phải “cõng” gánh nặng cho các ngành tiêu hao nhiều điện năng. Ở Nhật Bản, chỉ cần 1 đơn vị điện để sản xuất ra 1 đơn vị GDP, trong khi đó Việt Nam cần 2 đơn vị điện cho 1 GDP, rất lãng phí.

Các chuyên gia cũng cho rằng, EVN cần kiến nghị Nhà nước có giá điện hợp lý để phát triển năng lượng tái tạo ở nhiều vùng khác nhau trên cả nước, tránh nhà đầu tư tập trung vào một khu vực, gây nên sự quá tải cục bộ lưới điện; cần có cơ chế đối với những lĩnh vực tiêu hao nhiều điện năng, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhất là các ngành sắt, thép, xi măng…

Khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, nhưng cùng với sự chủ động của EVN trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo điện, những khuyến nghị quý báu của các chuyên gia kinh tế cao cấp sẽ là cơ sở để EVN tiếp tục phát triển, cung cấp điện ổn định, tin cậy, chất lượng cao, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong những năm tới. 

TS. Nguyễn Minh Phong - Phó Trưởng ban Tuyên truyền lý luận và Thư kí Hội đồng khoa học báo Nhân Dân:

Những năm gần đây, EVN đã thực sự “vượt qua chính mình”. Trong đó, phải kể đến chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam hiện đứng thứ 27/190 quốc gia/nền kinh tế, vượt qua nhiều nước thuộc khối OECD. Bên cạnh đó, EVN bắt đầu cung cấp dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4 vào cuối năm 2018. Điều này cho thấy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động đổi mới trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho người sử dụng điện.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam:

EVN đã đạt được những kết quả rất tuyệt vời trong 5 -7 năm qua, thể hiện trên nhiều phương diện như: Tổn thất điện năng giảm mạnh, chỉ số tiếp cận điện năng tăng nhanh; điện nông thôn trở thành hình mẫu trên thế giới...

TS. Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viên nghiên cứu Thị trường và giá cả:

Chất lượng điện đã được cải thiện rõ rệt. Khách hàng được sử dụng điện liên tục, an toàn, ổn định. Nếu có sự cố, chỉ cần gọi tới Tổng đài là có người đến xử lý ngay, không kể ngày, đêm, mưa gió hay giá rét. Tuy EVN đã làm rất tốt, nhưng phải lưu ý, không để xảy ra tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng đến uy tín của Tập đoàn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: 

Khiếu nại của người tiêu dùng đối với Điện lực đã giảm nhiều so với trước đây. Chất lượng phục vụ đã tốt hơn, thời gian mất điện giảm mạnh, các tổng công ty đều có Trung tâm CSKH làm việc chuyên nghiệp. EVN hiện giờ cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng thành tựu KHCN vào quản lý sản xuất kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐHQG Hà Nội:  

Những thành tựu của EVN là không thể phủ nhận. Tôi ấn tượng với việc EVN đã tiết giảm được rất nhiều chi phí trong sản xuất bằng việc ứng dụng thành tựu KHCN như: Công tơ điện tử đo xa, thu tiền điện qua ngân hàng, chỉ số tiếp cận điện năng.


Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập

Share