Trong cuộc phỏng vấn qua video, bà cho biết dự án phát triển năng lượng hạt nhân của Indonesia đang mở cửa cho cả các lò phản ứng mô-đun nhỏ và công nghệ hạt nhân truyền thống. Tuy nhiên, đây là một chủ đề gây tranh cãi tại Indonesia, nơi có nguy cơ động đất cao. Khi được hỏi liệu các đơn đặt hàng cho các nhà máy điện hạt nhân đã được thực hiện chưa, Yulaswati cho biết hiện tại vẫn còn quá sớm để tiến hành bước này.
"Chúng ta cần có sự phê duyệt của Tổng thống và tất nhiên, phải tiếp tục thảo luận với các đối tác quốc tế. Tôi nghĩ đây vẫn là một quá trình dài", bà chia sẻ.
Những người phụ nữ ngồi trên một ngọn đồi nhìn xuống một nhà máy điện than ở Cilegon, Indonesia. Ảnh: AP
Theo dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember, hiện có 30 quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân để phát điện, trong đó có 9 quốc gia ở khu vực châu Á. Indonesia, với dân số hơn 275 triệu người, hiện đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về việc sử dụng than để phát điện, với hơn một nửa công suất điện của nước này đến từ than đá, trong khi các nguồn năng lượng sạch như thủy điện chỉ chiếm chưa đến 15%.
Mặc dù vậy, Indonesia có kế hoạch cung cấp cho các nhà đầu tư quốc tế cơ hội xây dựng 75 gigawatt (GW) năng lượng tái tạo trong vòng 15 năm tới. Tuy nhiên, vấn đề tài chính vẫn là một thách thức lớn. Indonesia đã được cam kết hỗ trợ 20 tỷ đô la từ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của nhóm G7 được công bố vào năm 2022. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít tiền đã được giải ngân và tiến độ chậm chạp này đã cản trở các nỗ lực cắt giảm khí thải của nước này.
Bà Yulaswati cho biết đến nay, JETP đã phê duyệt các khoản tài trợ cho 33 dự án khử carbon tại Indonesia trị giá tổng cộng 217,8 triệu đô la. Một trong những dự án đáng chú ý là tăng số lượng xe điện trên đảo Bali. Bên cạnh đó, có thêm 6 dự án khác trị giá 78,4 triệu đô la hiện đang được thảo luận.
Ngoài ra, Indonesia cũng đã được phê duyệt các khoản vay lên tới 6,1 tỷ đô la, chủ yếu để nâng cấp lưới điện quốc gia và phát triển các lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Yulaswati cho biết lãi suất cho các khoản vay này vẫn chưa được xác định. Đây là vấn đề gây tranh cãi, khi các quan chức Indonesia chỉ trích các quốc gia phương Tây vì chưa cung cấp nguồn tài trợ ưu đãi như đã cam kết trong khuôn khổ JETP.
Bà Yulaswati cho biết các dự án JETP vẫn chưa được triển khai, và tài trợ dự kiến sẽ bắt đầu vào năm sau, trùng với thời điểm bắt đầu chu kỳ kế hoạch kinh tế 5 năm tiếp theo của Indonesia.
Nguyệt Hà (Reuters)
Share