
Kỹ sư Huỳnh Quang Hiệu nhận giấy khen tại Đại hội thi đua yêu nước EVN lần thứ V, ngày 30/6/2025
Từ cơ khí đến Điện lực
Kỹ sư Huỳnh Quang Hiệu sinh ra và lớn lên tại miền đất võ Bình Định (nay là Gia Lai). Sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ khí Động lực, Trường Đại học Bách Khoa TP. HCM, anh Hiệu làm việc cho một công ty tại Sài Gòn, theo đuổi nghề chế tạo ô tô, xe máy.
Năm 2004 - khi 32 tuổi, đọc được thông tin Công ty Thủy điện Ialy tuyển dụng kỹ sư phục vụ cho quá trình chuẩn bị sản xuất và vận hành Nhà máy Thủy điện Pleikrong, anh tham gia ứng tuyển và trúng tuyển. Từ đó, kỹ sư Huỳnh Quang Hiệu đến với Gia Lai để bắt đầu hành trình mới: gắn bó với ngành Điện.
Anh Hiệu nhớ lại, thời gian đầu tiếp xúc với môi trường công nghệ cao, với những hệ thống cơ khí, điện, điều khiển phức tạp, anh không tránh khỏi áp lực. “Thú thật, lúc đầu tôi gần như trắng tay về kinh nghiệm thực tế. Có những ngày về đến nhà mà đầu óc vẫn quay cuồng với sơ đồ mạch, nguyên lý vận hành turbine… Nhưng cũng chính trong những ngày đó, tôi cảm nhận rõ ràng sức hấp dẫn kỳ lạ của máy móc, từng trục quay, từng bánh răng đều có ngôn ngữ riêng của nó” - Kỹ sư Huỳnh Quang Hiệu chia sẻ.
Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các kỹ sư đi trước và tinh thần cầu thị, anh Hiệu dần vững vàng và thạo nghề. Trải qua hơn 20 năm công tác, kỹ sư Huỳnh Quang Hiệu đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ: Tổ trưởng tổ Cơ khí, Phó quản đốc Phân xưởng sửa chữa cơ khí, Tư vấn giám sát trưởng dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng…Ở mỗi vị trí công việc, cùng với tinh thần sáng tạo được “tiếp lửa” bằng sự rèn giũa của các cấp lãnh đạo, kỹ sư Hiệu đã có nhiều sáng kiến kỹ thuật, không chỉ giúp tăng hiệu suất vận hành mà còn giảm sức lao động cho anh em trong tổ.

Kỹ sư Huỳnh Quang Hiệu xử lý van xả khí buồng xoắn không mở tự động Tổ máy H5, Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng
|
Ông Nguyễn Thái Dư, nguyên Quản đốc Phân xưởng sửa chữa Cơ khí Tây Nguyên, Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN:
“Kỹ sư Huỳnh Quang Hiệu có năng lực chuyên môn tốt, tận tụy trong công việc được giao, luôn vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.”
|
Một trong những sáng kiến tiêu biểu là “cải tạo việc bơm dầu thủy lực lên dầu chậm”, đã được công nhận cấp Tập đoàn năm 2019. Sáng kiến tập trung vào việc xử lý hiện tượng bơm dầu lên chậm trong hệ thống dầu áp lực tổ máy tại Nhà máy Thủy điện Sê San 4. Theo thiết kế, bơm dầu phải đạt áp lực tiêu chuẩn trong 10-15 giây để đảm bảo điều kiện khởi động tổ máy. Tuy nhiên, bơm thực tế cần 7-8 phút mới lên dầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy trình vận hành. Các giải pháp trước đó như thay thế bơm hay lắp đặt van một chiều ở đầu hút chỉ mang tính tạm thời và còn phát sinh hệ lụy như áp lực dầu hồi về cao, gây vỡ bộ lọc dầu, van không kín, làm tình trạng chậm lên dầu tái diễn. Qua phân tích kỹ thuật, anh Hiệu nhận thấy nguyên nhân chính là do không khí tích tụ trong đường ống hút không được xả nhanh, khiến bơm không thể tạo áp lực ngay lập tức. Từ đó, anh đã đề xuất và thực hiện giải pháp xả nhanh khí trong ống hút, giúp bơm khởi động ổn định và lên dầu đúng thời gian quy định, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khi khởi động tổ máy.
Sáng kiến của anh đã giúp duy trì hoạt động ổn định của hệ thống bơm, tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí thay bơm (nhà máy có 3 bơm) và hạn chế hư hỏng thiết bị liên quan.
Công nghệ không phải là rào cản!
Tự nhận mình đã thuộc lớp "kỹ sư già", nhưng với anh, công nghệ không phải là rào cản, mà là lời mời gọi bước ra khỏi vùng an toàn để tiếp tục làm mới chính mình. Những công việc từng làm bằng mắt, nghe bằng tai, nay phải học cách đọc dữ liệu từ cảm biến, phân tích cảnh báo lỗi qua phần mềm. Thêm vào đó, phần mềm mới, ngôn ngữ chuyên ngành, hệ thống giám sát thời gian thực hiện, cảnh báo từ xa hay phân tích dữ liệu thiết bị theo dõi trên máy tính… anh tự nhận "phải học từ từ mới thấm". Tổ anh quản lý gồm 25 kỹ sư, công nhân với trình độ và kinh nghiệm khác nhau. Anh thường động viên mọi người trong tổ: “Khó đấy, nhưng không phải là không làm được”.
Bằng tinh thần cầu thị và tình yêu nghề, anh Hiệu tự mày mò học thêm, chủ động hỏi đồng nghiệp trẻ, tham gia các buổi tập huấn chuyển đổi số, dần dần làm quen với hệ thống SCADA, phần mềm giám sát dầu áp, hệ thống bảo trì tiên đoán (predictive maintenance), để hiểu rõ hơn cách thiết bị “nói chuyện” với con người qua dữ liệu.

Kỹ sư Huỳnh Quang Hiệu làm việc với hệ thống phân tích dữ liệu
“Giờ thì mình không còn ngại công nghệ như trước nữa. Có khó, nhưng mình học được là thấy vui. Chỉ cần còn yêu nghề, thì máy móc hiện đại hay không cũng là thứ để mình chinh phục” - kỹ sư Hiệu bày tỏ.
Trong gia đình, anh vừa là trụ cột, vừa là tấm gương cho các con noi theo. Vợ anh là giáo viên trung học, hai con trai đều chăm ngoan, học giỏi. Con trai cả đang là sinh viên, còn cậu út sắp bước vào lớp 12. Anh dạy con bằng chính cách sống của mình: bền bỉ, trách nhiệm, không ngại khó khăn và luôn sống có ước mơ.
Kỹ sư Huỳnh Quang Hiệu chia sẻ: “Tôi biết ơn những cơ duyên đã đưa tôi đến với ngành Điện. Nếu được chọn lại một lần nữa, tôi vẫn không ngần ngại chọn con đường mình đang đi, theo đuổi công việc hiện tại và luôn tự hào là một thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.
Anh không quên gửi lời nhắn nhủ đến thế hệ người lao động trẻ: “Hãy học, hãy cống hiến bằng tất cả nhiệt huyết và không ngừng đổi mới. Thành công sẽ đến nếu bạn đi tới cùng với đam mê”.
Thúy Hằng
Share