Dự thảo Luật Điện lực đã được rút ngắn từ 130 điều xuống còn 81 điều so với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; chỉ bổ sung 11 điều so với Luật Điện lực hiện hành.
Luật Điện lực lần này tuy mang tính sửa đổi song có thể nói đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật Điện lực năm 2024 với nhiều sửa đổi căn bản, quan trọng đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.
Không khó để nhận ra trong hệ thống pháp luật hiện nay, các điểm nghẽn pháp lý hiện ra dưới dạng các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân; gây ra thiệt hại, cản trở phát triển…
Lĩnh vực điện lực đang đòi hỏi những cơ chế mới thu hút được các nguồn lực để phát triển
Trong nhiều phát biểu mới đây về công tác xây dựng pháp luật, tinh thần rất căn bản được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải thật sự sống động, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn. Cùng đó, phải tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, ngành công nghiệp mới.
Đặc biệt, trong việc xây dựng thể chế, pháp luật, Tổng Bí thư nhấn mạnh 3 bảo đảm: Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật; bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế các quy định pháp luật…
Việc thông qua dự án Luật Điện lực này tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội và sớm đi vào thực thi (Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2025) đã minh chứng cho quyết tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt của đất nước trong việc tháo gỡ cũng như không để các điểm nghẽn trở thành rào cản trong việc thu hút, phát huy các nguồn lực trong nước và nước ngoài, đưa thể chế thực sự trở thành động lực mới cho tăng trưởng và phát triển của đất nước.
Điều đó lại càng đặc biệt có ý nghĩa với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, lĩnh vực đòi hỏi những cơ chế chính sách không chỉ đáp ứng những nhu cầu “nóng” trước mắt mà còn cả tạo dư địa cho phát triển lâu dài.
Có thể nói, hiếm có một dự án luật nào nhận được sự quan tâm trực tiếp, đặc biệt của lãnh đạo cấp cao đất nước như Luật Điện lực. Minh chứng cho điều này là ngay tại thảo luận trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8 liên quan đến dự án Luật Điện lực, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ những định hướng quan trọng nhất, căn bản nhất trong việc hoàn thiện những quy định của Luật.
Tổng Bí thư đề nghị làm rõ khó khăn, bất cập hiện nay, từ đó có định hướng và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất, cho tiêu dùng, cho nhu cầu điện của quốc gia. Trong đó, lưu ý có các quy định về phát triển điện, điều hòa điện, quy hoạch điện, đặc biệt có đủ nguồn điện để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư. Đặc biệt, sau khi Trung ương có ý kiến về chủ trương đầu tư điện hạt nhân, trong Luật Điện lực (sửa đổi) cần đề cập đến nội dung này, trong đó tính toán đến công suất, vị trí, công nghệ như thế nào.
“Thời gian không chờ đợi ai, chúng ta cần chủ động triển khai nhanh chóng, đồng bộ, song song với việc triển khai sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Dấu ấn hành động quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm trong việc hoạch định chính sách cũng như trực tiếp tại một dự án luật quan trọng như dự án Luật Điện lực đã cho thấy quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, không chấp nhận việc để nguồn lực nằm im tại chỗ, không phát huy được tác dụng để rồi trở thành sự lãng phí lớn cho quốc gia. Tại các phiên họp toàn thể thảo luận về Luật Điện lực, biểu quyết thông qua Luật Điện lực và trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, Tổng Bí thư Tô Lâm đều trực tiếp dự họp và có chỉ đạo sâu sắc, định hướng kịp thời trước đó.
Sự quan tâm sâu sát và chỉ đạo kịp thời của người đứng đầu Đảng ta đã cho thấy rõ sự hoà quyện "ý Đảng lòng dân" trong đổi mới, phát triển, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Chính điều đó đã góp phần tạo nên thành công to lớn của việc sửa đổi Luật Điện lực, một kỳ tích về thời gian sửa đổi một đạo luật lớn, có nhiều nội dung quan trọng và phức tạp tưởng như khó có thể thông qua trong một nhiệm kỳ song đã được tiến hành khẩn trương nhưng kỹ lưỡng, trách nhiệm và khoa học, đáp ứng được đòi hỏi nóng bỏng từ thực tiễn. Đó cũng là một dẫn chứng sinh động của tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" thì sẽ tạo dựng thành công như thông điệp mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhắc tới.
Link gốc
Theo congthuong.vn
Share