Ngôi làng điện mặt trời đầu tiên của Iraq chính thức đi vào hoạt động
21:25, 21/05/2025
Cộng đồng dân cư đầu tiên tại Iraq sử dụng hoàn toàn điện mặt trời độc lập, do Quỹ Rwanga phát triển, vừa được khánh thành. Làng điện mặt trời này được trang bị gần 200 tấm quang điện để cung cấp điện cho các hộ dân, một ngôi đền Hồi giáo, một trường học và một hội trường cộng đồng.

Nguồn ảnh: Quỹ Rwanga
Quỹ Rwanga là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố Erbil (Iraq), đã chính thức khánh thành ngôi làng đầu tiên sử dụng hoàn toàn năng lượng mặt trời của đất nước này.
Ngôi làng này mang tên Kulak Solar Village, nằm tại huyện Harir, thuộc khu vực Kurdistan ở miền bắc Iraq. Dự án sẽ cung cấp điện 24/7 cho cư dân trong khu vực.
Theo tuyên bố từ Quỹ Rwanga, trong tương lai làng này có thể triển khai hệ thống tưới tiêu chạy bằng năng lượng mặt trời, đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo thực hành về nông nghiệp tái tạo (bao gồm các hoạt động không chỉ hướng đến việc phát triển "bền vững" mà còn chủ động cải thiện và phục hồi sức khỏe của hệ sinh thái nông nghiệp, đặc biệt là đất đai).
Tổ chức này cho biết, sáng kiến được đưa ra trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với các thách thức môi trường ngày càng nghiêm trọng, bao gồm nắng nóng cực đoan, thiếu nước và sa mạc hóa nhanh chóng. Theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc, Iraq là quốc gia đứng thứ năm trên thế giới về mức độ dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Hiện đã có các kế hoạch nhân rộng mô hình Kulak sang những vùng nông thôn khác ở Kurdistan và miền trung Iraq, với sự hợp tác giữa Quỹ Rwanga, chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế.
Theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), tổng công suất điện mặt trời tích lũy của Iraq tính đến cuối năm ngoái là 42MW.
Gia Hiếu (Theo pv-magazine.com)
Share