Tài liệu sinh hoạt Chi bộ tháng 12/2024

14:04, 02/12/2024

I. TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ TRONG NƯỚC; HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI DNTW

1. Tình hình thời sự, chính trị trong nước:

1.1. Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3). Toàn văn nội dung buổi trao đổi đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tập đoàn chuyên mục Công tác Đảng.

1.2. Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Toàn văn Bài viết được Tập đoàn đăng tải lại trên trang thông tin điện tử (chuyên mục Công tác Đảng).

1.3. Sáng 1/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết hợp trực tuyến tới 14.535 điểm cầu cấp huyện, cơ sở, các cơ quan, đơn vị, quân khu, quân chủng, quân đoàn trên toàn quốc, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương với hơn 1,3 triệu đại biểu tham dự.

Tại Hội trường Diên Hồng, dự Hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm; các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú. Cùng dự còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền các cấp.

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày các nội dung chính về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề "Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế"; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025"; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa quán triệt nội dung "Hướng dẫn công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII.

1.4. Chiều 30-11, với 91,65% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi).

Theo đó, Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua còn 81 điều, giảm 49 điều so với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội. 

Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư xây dựng dự án điện lực và phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đơn giản thủ tục

Theo đó, luật được thông qua với sáu nhóm nội dung chính, gồm quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động mua bán điện; quản lý, vận hành hệ thống điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Riêng với phát triển dự án điện gió ngoài khơi hiện còn một số khó khăn lớn. Đó là sự chưa thống nhất trong các quy định pháp luật về quản lý hoạt động trên biển, yêu cầu đầu tư vốn lớn, cũng như vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Do đó cần sớm có khung pháp lý toàn diện để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai thực hiện. Trong đó luật sẽ quy định khung phát triển điện gió ngoài khơi để giải quyết những vấn đề mang tính đặc thù và giao Chính phủ quy định cụ thể theo thẩm quyền, nên không nhất quyết xây dựng nghị quyết thí điểm.

Đối với điện gió ngoài khơi, luật quy định dự án điện gió trên biển thuộc vùng biển Việt Nam gồm dự án điện gió gần bờ và dự án điện gió ngoài khơi. 

Cùng đó, các nội dung quy định về chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi được loại bỏ.

Theo đó, luật quy định việc chuyển nhượng dự án, cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật có liên quan. 

Chính phủ quy định chi tiết và làm rõ thẩm quyền lựa chọn đơn vị khảo sát dự án điện gió ngoài khơi trước khi lựa chọn nhà đầu tư.

Việc giao doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện khảo sát dự án điện gió ngoài khơi không thay thế thẩm quyền giao khu vực biển theo quy định của pháp luật về biển, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy định chính sách ưu đãi đối với các dự án điện gió ngoài khơi.

Điểm đáng chú ý là chính sách phát triển điện hạt nhân, luật được thông qua chỉ quy định chung về phát triển nguồn điện này. Các quy định cụ thể về nhà máy điện hạt nhân được thực hiện theo pháp luật về năng lượng nguyên tử và các quy định khác. Luật cũng bỏ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù phát triển điện hạt nhân.

Chính sách phát triển điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi

Các vấn đề cụ thể như công suất điện, vị trí bố trí, công nghệ sử dụng và cách thức đảm bảo cung cấp điện sẽ được Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể trong quá trình xây dựng quy hoạch điện và triển khai thực hiện dự án. 

Vì vậy, luật được thông qua quy định một số nguyên tắc về chính sách phát triển điện hạt nhân để có cơ sở thực hiện xây dựng và phát triển điện hạt nhân khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền. 

Việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân đã được quy định cụ thể ở các luật liên quan.

Đối với phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo, luật quy định phát triển đồng bộ với hạ tầng hệ thống điện để tránh lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng do không giải tỏa được công suất. 

Cùng đó, pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế cũng đã có chính sách ưu đãi cụ thể với năng lượng tái tạo, góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Đối với vấn đề giá điện, giá bán lẻ điện đang áp dụng thống nhất toàn quốc, có bù chéo giá điện giữa các vùng miền. Việc bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ, thông qua xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phản ánh chi phí theo đặc điểm tiêu thụ điện. 

Việc thực hiện giảm bù chéo giá điện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng để xây dựng phương án lộ trình cụ thể. Việc quy định để thực hiện xóa bỏ ngay việc bù chéo giá điện là chưa khả thi. Vì vậy, luật quy định lộ trình xóa bỏ bù chéo giá điện và giao Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Điểm một số hoạt động của Đảng ủy Khối DNTW

2.1. Chiều ngày 25/11, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị công bố các quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ của Đảng ủy Khối. Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã trao Quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc điều động, chỉ định đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối và giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025. Cũng tại Hội nghị, Ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định của Ban Bí thư về việc chỉ định tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025 đối với các đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hồng Hiển, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

2.2. Ngày 22/11/2024, tại Hà Nội, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị 05 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) giai đoạn 2019 - 2024. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong 05 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2019 - 2024 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong 05 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai  đoạn 2019 - 2024. Đồng chí nhấn mạnh, qua 05 năm thực hiện cho thấy việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được cấp ủy các cấp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện; công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp, cán bộ đảng viên, đoàn viên, người lao động trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đặc biệt được chú trọng, liên tục được đổi mới với nội dung và hình thức phong phú; các cấp ủy đã chỉ đạo doanh nghiệp, đơn vị cụ thể hóa bằng việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện sát, đúng, hiệu quả đã góp phần lan tỏa Cuộc vận động trong Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Tại Hội nghị, Ban tổ chức Cuộc vận động đã trao tặng Bằng khen đối với 15 tập thể và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2019 - 2024. Đảng ủy Tổng công ty Điện lực miền Trung vinh dự là 1 trong 15 tập thể được nhận Bằng khen của Đảng ủy Khối với thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2019-2024.

II. TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN VÀ ĐƠN VỊ

1. Trong các ngày 4/11; 05/11; 08/11 Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tham dự Lễ công bố Quyết định chuyển giao, tiếp nhận các tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn Công ty Nhiệt điện Uông Bí; Đảng bộ Công ty Thủy điện Bản Vẽ; Đảng bộ Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi; Chi bộ Công ty Thủy điện Đại Ninh về trực thuộc Đảng ủy Tổng công ty Phát điện 1, thuộc Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo đó, có tổng cộng 21 chi bộ với 521 đảng viên từ các tổ chức đảng nêu trên đã được chuyển giao về Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

2. Ngày 19/11, tại Hà Nội, Đảng ủy EVN tổ chức hội nghị hướng dẫn công tác kiểm điểm, đánh giá xếp loại năm 2024 và công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới điểm cầu các tổ chức Đảng trong Đảng bộ EVN.

Có tổng số 400 đại biểu tham dự, gồm các đồng chí đại diện thường trực cấp ủy, lãnh đạo và chuyên viên ban Tổ chức thuộc Đảng ủy cơ sở được thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở; các đồng chí là cấp ủy viên được phân công phụ trách công tác tổ chức và cán bộ, chuyên viên tham mưu công tác tổ chức, nhân sự của cấp ủy.

Tại hội nghị, đồng chí Trần Việt Anh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy EVN đã trực tiếp chia sẻ chuyên đề: “Công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ, chi bộ nhiệm kỳ 2025-2030” ; tập trung làm rõ về: Thành lập tiểu ban nhân sự và xây dựng đề án nhân sự; công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy.

Các đại biểu đã được quán triệt về Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024; Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW, ngày 26/8/2024 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024; Kế hoạch số 139-KH/ĐUK, ngày 23/8/2024; Hướng dẫn số 10- HD/ĐUK, ngày 11/10/2024 của Đảng uỷ Khối DNTW về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ IV Đảng bộ Khối DNTW; Kế hoạch số 62-KH/ĐU, ngày 27/9/2024; Hướng dẫn 20-HD/ĐU ngày 25/10/2024 của Đảng ủy EVN về tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ IV Đảng bộ EVN, nhiệm kỳ 2025-2030.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Trần Việt Anh cũng trình bày về chuyên đề: “Công tác bầu cử trong Đảng” với các nội dung: Khái quát về nội dung Quyết định số 190-QĐ/TW ngày 10/10/2024 về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng; những điểm mới của Quy chế.

Các đại biểu còn được nghiên cứu, quán triệt về chuyên đề: “Công tác kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên”. Đồng chí Trần Việt Anh đã làm rõ về các nội dung: Các quy định về công tác kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên; Mục đích, yêu cầu, quan điểm và nguyên tắc của công tác kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên; Một số vấn đề về công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình hằng năm; Một số vấn đề về công tác đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân; Giải đáp một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn.

Thông qua hội nghị, các đại biểu đã được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt vai trò, chức trách, nhiệm vụ, chủ động thực hiện các bước chuẩn bị, tổ chức Đại hội các cấp đảm bảo đúng quy trình quy định; đồng thời nắm vững nghiệp vụ công tác đảng về công tác kiểm điểm, đánh giá xếp loại năm 2024.

2.3. Gần 1.200 cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ EVN tham gia Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức vào sáng ngày 01/12/2024.

Tham dự tại điểm cầu tại trụ sở EVN có đồng chí Đặng Hoàng An, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV và các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn, các đồng chí trong ban lãnh đạo Tập đoàn và Công đoàn Điện lực Việt Nam.​

 III. TIN THAM KHẢO

3.1. Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024), Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện chương trình Tháng tri ân khách hàng năm 2024 với chủ đề “Đồng hành cùng khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả”. Chương trình Tháng tri ân khách hàng năm nay diễn ra trong tháng 11 và 12 năm 2024 với mục đích thể hiện sự tri ân của EVN tới các khách hàng sử dụng điện thông qua các hoạt động kinh doanh & dịch vụ khách hàng và một số hoạt động an sinh xã hội. Đồng thời chương trình cũng tạo sự gắn kết, đem lại hiệu quả thiết thực cho khách hàng sử dụng điện và cộng đồng thông qua việc trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Đối tượng của chương trình là các khách hàng đang sử dụng điện của EVN, người dân, các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, trong cùng thời gian này, các đơn vị thành viên trong EVN còn tổ chức triển khai một số hoạt động an sinh xã hội cụ thể tùy theo điều kiện của từng đơn vị và tình hình ở mỗi địa phương.

3.2. Vào lúc 4h38 ngày 26/11/2024, tổ máy 1 (công suất 180MW) của công trình Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng đã hoà điện thành công vào lưới điện quốc gia chỉ sau gần 3 năm triển khai dự án Nhà máy Thuỷ điện Ialy mở rộng.

Hiện nay tổ máy 2 cũng đã hoàn thành đến 99% khối lượng công việc lắp đặt thiết bị, phấn đấu hoà lưới trước ngày 21/12/2024 để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024).

Công trình Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng có công suất thiết kế 360MW, gồm 2 tổ máy do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án Điện 2 (EVNPMB2) là đơn vị được EVN giao đại diện chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án. Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 tư vấn lập thiết kế các giai đoạn. Tư vấn giám sát phần xây dựng do EVNPMB2 tự giám sát. Công ty Thủy điện Ialy và Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN tư vấn lắp đặt thiết bị.

Công trình Thủy điện Ialy mở rộng khi đi vào hoạt động sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; Góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống; Tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm, tăng thêm giá trị sản lượng điện trung bình năm khoảng 233,20 triệu kWh/năm. Công trình cũng góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải CO2 và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Giảm bớt cường độ, thời gian làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

VI. VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI

* Ngày 28/11/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 173-HD/BTGTW về  tuyên truyền một số nội dung trọng tâm của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11/2024, trong đó nhấn mạnh các nội dung tuyên truyền gồm:

1. Về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

1.1. Tuyên truyền, quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm, mục đích, yêu cầu, quan điểm, nội dung tổng kết, tiến độ thực hiện, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, nhất là một số vấn đề trọng tâm sau:

- Khẳng định việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Khẳng định thời điểm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045) không còn xa; đế đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; việc tinh gọn tổ chức bộ máy là điều kiện tiên quyết để đất nước phát triển.

- Nhấn mạnh mục đích của việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, bất cập, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; đề xuất, kiến nghị chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Nêu bật yêu cầu của việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, nhấn mạnh quá trình thực hiện, phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và yêu cầu thực tiễn; đồng thời, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Việc tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chú, khoa học, cầu thị, cụ thể, sâu sắc, khẩn trương; xác định rõ những yếu kém, bất cập, nguyên nhân; đề xuất, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; đề xuất phương án tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; kiến nghị, đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn tố chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đánh giá ưu điểm và tác động khi thực hiện mô hình mới; tạo sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Nhấn mạnh việc sắp xếp lại mô hình các cơ quan Trung ương phải gắn với các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương gắn với phối hợp và kiểm tra, giám sát...; thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, nhiều tổ chức trung gian cồng kềnh.

- Phân tích làm rõ trách nhiệm các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, cần khẩn trương triến khai các công việc theo tinh thần thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở.

- Phản ánh kịp thời quá trình tổng kết, lộ trình thực hiện; khẳng định việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cần thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, bài bản; xác định rõ những công việc cần ưu tiên, lộ trình, bước đi rõ ràng, cụ thể và phối hợp nhịp nhàng trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm không gián đoạn công việc, phải có sự nối tiếp, liên tục, thông suốt, bộ máy mới phải đi vào hoạt động ngay. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cụ thể:

+ Cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc tổng kết bảo đảm chất lượng, tiến độ, hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

+ Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW chỉ đạo hoàn thiện Tờ trình, báo cáo, dự thảo kết luận hoặc nghị quyết trình Bộ Chính trị trước ngày 28/02/2025; trình Ban Chấp hành Trung ương trước 15/3/2025.

1.2. Làm rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai: (1) Xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. (2) Chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật bảo đảm đồng bộ; rà soát sửa đổi, bổ sung các chủ trương, quy định của Đảng cho thống nhất; điều chỉnh kịp thời các quy định của pháp luật, các quy trình, quy chế trong công tác trên từng lĩnh vực. (3) Gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy.

1.3. Tuyên truyền phản ánh đậm nét quá trình triển khai chủ trương tinh gọn bộ máy trong tình hình mới; thông tin, tuyên truyền kịp thời, khách quan, minh bạch các phương án, đề án sắp xếp, các chế độ, chính sách đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động, ảnh hưởng do thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; chú trọng thông tin, phản ánh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện.

Tuyên truyền kinh nghiệm sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước. Phản ánh các ý kiến đóng góp xác đáng, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân, nhất là nhân sỹ, tri thức, nhà khoa học. Động viên, khích lệ mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc phát huy trách nhiệm cộng đồng, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.

1.4. Tuyên truyền, thông tin đối ngoại về chủ trương, quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; qua đó quảng bá hình ảnh một quốc gia đổi mới, năng động, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế; củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế, các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài về môi trường chính trị - kinh tế ổn định và minh bạch ở Việt Nam tạo sức hút mạnh mẽ về hợp tác và đầu tư quốc tế.

1.5. Đấu tranh, phản bác kịp thời với những thông tin giả, tin xấu độc ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương và quá trình triển khai đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phê phán mạnh mẽ tư tưởng chủ quan, cục bộ, bảo thủ, thiếu sâu sát, thiếu quyết liệt gây chậm trễ; biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình đổi mới, sáng tạo, hiệu quả.

2. Về phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia

2.1. Quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, việc tái khởi động Chương trình điện hạt nhân và tiếp tục nghiên cứu Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Làm rõ tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân, trong đó tập trung vào các nội dung:

- Khẳng định việc phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia là vấn đề quan trọng phải đi trước một bước để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, năm 2045. Vì vậy, việc tái khởi động nghiên cứu sử dụng điện hạt nhân hiện nay là rất cần thiết, là giải pháp quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia; bảo đảm an ninh năng lượng, giúp bổ sung nguồn điện nền, giảm thiểu rủi ro về môi trường, bảo đảm tính ổn định cho nguồn điện. Vấn đề này trước đây đã có chủ trương và triển khai bước đầu nhưng do một số khó khăn nhất định chưa thực hiện được. Hiện nay đã đủ các điều kiện cần thiết cho phép tiếp tục triển khai thực hiện để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới.

- Phân tích, nếu bật tính ưu việt của điện hạt nhân so với các nguồn năng lượng khác (điện than, thủy điện, điện mặt trời, gió…), nhất là tính ổn định, ít phát thải các-bon, thân thiện với môi trường, khả năng linh hoạt trong điều chỉnh công suất…và những lợi thế của việc phát triển điện hạt nhân đối với sự phát triển đất nước. Khẳng định phát triển điện hạt nhân kết hợp cùng với năng lượng tái tạo là xu thế của nhiều quốc gia hiện nay; phù hợp với các cam kết giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) mà Việt Nam đã ký kết.

2.2. Phân tích, làm rõ thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức trong quá trính tái khởi động chương trình điện hạt nhân; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan.

2.3. Tuyên truyền kinh nghiệm của quốc tế về phát triển điện hạt nhân; phản ánh ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học về đề xuất phát triển điện hạt nhân ở nước ta trong thời gian tới.

* Thực hiện Hướng dẫn số 168-HD/BTGTW, ngày 23/9/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Công văn số 9743-CV/BTGTW, ngày 16/10/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, ngày 14/11/2024, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ban hành Hướng dẫn số 20-HD/BTGĐUK tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Nội dung Hướng dẫn tại đây.(1)./.

Xem file tại đây


Ban Truyền Thông EVN

Share