Trở về với đảo

15:56, 24/04/2019

“Biển ở trong máu” không chỉ là lời nói vui của những người làm điện mà tôi đã gặp trên đảo Phú Quý. Được sinh ra và lớn lên từ hòn đảo này, sự gắn bó máu thịt ấy luôn thôi thúc họ trở về, gây dựng cuộc sống và cống hiến cho biển đảo quê hương.

Một góc huyện đảo Phú Quý từ trên cao - Ảnh: Cao Cường

Đi xa để… trở về

Nằm biệt lập giữa trùng khơi, huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) cách đất liền xấp xỉ 120 km. Khoảng hai năm trở lại đây, những con tàu cao tốc mới được đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn chưa đầy 3 giờ, thay vì khoảng thời gian dài gấp đôi, gấp ba trước đây.

Ngược trở về năm 1999, thời điểm đảo Phú Quý bắt đầu có điện. Khi đó, nguồn diesel rất nhỏ, chỉ đủ cấp cho chiếu sáng vài giờ trong buổi tối, nhưng cũng đã là “bước ngoặt” lớn với người dân đảo. Và đối với cậu học sinh 17 tuổi Phạm Văn Thanh – người hiện nay giữ cương vị Giám đốc Điện lực Phú Quý - ước mơ trở thành kỹ sư điện cũng được nhen nhóm từ thời điểm ấy.

Kỹ sư Phạm Văn Thanh - Giám đốc Điện lực Phú Quý

Những thanh niên cùng thế hệ anh Phạm Văn Thanh thường chỉ học đến hết cấp 2 (vì muốn học lên cao hơn thì phải vào đất liền). Họ ở nhà “đi khơi” (đi tàu đánh cá – PV), hoặc phụ giúp công việc của gia đình. Đó cũng là khó khăn đầu đời mà cậu học trò Phạm Văn Thanh phải vượt qua, để theo đuổi ước mơ của mình.

Năm 2005, tốt nghiệp Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, kỹ sư Phạm Văn Thanh lập tức quay về, xin vào công tác tại Điện lực Phú Quý. Đến năm 2013, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc đơn vị này, chịu trách nhiệm quản lý, vận hành cung ứng điện cho gần 7.000 khách hàng trên đảo, tương ứng tỉ lệ 100% hộ dân đều được sử dụng điện.

Tôi hỏi: “Anh có từng tiếc nuối vì không ở lại thành phố không?”. Nụ cười tươi rói hiện lên trên gương mặt nâu bóng vì nắng gió biển khơi, anh kỹ sư hệ thống điện 37 tuổi khẳng định chắc nịch: “Chưa từng!”. Với kỹ sư Phạm Văn Thanh, hòn đảo này, dẫu điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, nhưng ở đây có gia đình, dòng tộc - là những giá trị cao nhất mà anh không bao giờ đánh đổi.

Đó cũng là câu chuyện của anh Đỗ Thanh Sung, 35 tuổi, Trưởng phòng Tổng hợp Điện lực Phú Quý. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng, anh Sung đã có việc làm tại TP Hồ Chí Minh sau khi ra trường. Cuối cùng, anh vẫn lựa chọn trở về với hòn đảo này, dù rằng ở lại thành phố mọi điều kiện sống đều thuận lợi hơn.

Được người anh trai ruột làm việc tại Điện lực Phú Quý định hướng, anh Sung cũng chọn nơi đây để “đầu quân” và gắn bó với công việc này cả chục năm nay. Chia sẻ về lý do trở về, anh Sung nheo nheo đôi mắt cười sau cặp kính cận: “Dân đảo mà, ngay cả trong giấc ngủ cũng nhớ tiếng sóng biển”.

Các anh Phạm Văn Thanh, Đỗ Thanh Sung cũng như hầu hết đồng nghiệp đang công tác tại Điện lực Phú Quý hiện nay, là đại diện cho một thế hệ người làm điện “gốc đảo”, được đào tạo bài bản và vững vàng về chuyên môn. Còn đối với Công ty Điện lực Bình Thuận, việc xây dựng được nguồn nhân lực tại chỗ là phương án tối ưu để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ quản lý vận hành cung ứng điện cho huyện đảo có vị trí chiến lược đặc biệt về quốc phòng – an ninh này.

Tinh thần thợ đảo

 

"Nguồn điện trên đảo Phú Quý không nằm trong hệ thống lưới điện quốc gia, mà được sản xuất chủ yếu từ máy phát diesel và một phần nhỏ từ điện gió. Đầu tư vào đảo Phú Quý, ngành Điện xác định không vì yếu tố kinh doanh mà vì nhiệm vụ chính trị, đó là đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng trên huyện đảo."

Ông Trần Ngọc Linh – Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận.

   

Từ năm 2014, đảo Phú Quý đã được cấp điện 24/24h, với giá bán điện ngang bằng đất liền. Nhu cầu điện ở đảo liên tục tăng. Do đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam/Công ty Điện lực Bình Thuận đã triển khai nhiều giai đoạn đầu tư nâng công suất nguồn điện để đáp ứng. Đến hết năm 2018, đã bổ sung 5 MW nguồn diesel, nâng tổng công suất các tổ máy diesel trên đảo lên 10 MW. Bên cạnh đó, trên đảo còn có nguồn điện gió (3 tuabin, tổng công suất 6 MW), được giao cho Điện lực Phú Quý tiếp nhận quản lý vận hành từ năm 2012.

Công tác vận hành hệ thống hỗn hợp điện gió – diesel khá phức tạp, nhất là thời điểm nguồn điện diesel chưa được bổ sung. Vì vậy, trước đây, Công ty Điện lực Bình Thuận cần phải cử cán bộ, kỹ sư từ đất liền ra đảo “trực chiến”. Còn hiện nay, CBNV tại Điện lực Phú Quý đã đủ sức đảm đương nhiệm vụ này. Lực lượng vận hành tại chỗ cũng có thể “bắt bệnh” và xử lý những sự cố, hư hỏng thường gặp của các tổ máy, qua đó, giảm thiểu thời gian phải dừng máy để chờ đợi cán bộ, chuyên gia từ đất liền.  

 “Chúng tôi, không kể là cán bộ lãnh đạo hay anh em công nhân, tất cả các vị trí đều luôn phải nỗ lực, không ngừng tìm tòi, học hỏi để nắm bắt, làm chủ công nghệ với mục tiêu chung là đảm bảo vận hành hệ thống điện trên đảo an toàn, liên tục, ổn định” – anh Thanh cho biết.  

Cũng tính riêng năm 2018, sản lượng điện sản xuất của Điện lực Phú Quý để cấp cho huyện đảo đạt hơn 18 triệu kWh, tăng 12,9% so với năm 2017. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Bình Thuận cũng đã đầu tư hệ thống mini SCADA hiện đại, có thể giám sát tình trạng vận hành và điều khiển xa hệ thống điện của đảo Phú Quý từ trong đất liền.

Bên trong nhà máy điện diesel do Điện lực Phú Quý quản lý. Đây là nguồn điện chủ lực cấp cho huyện đảo - Ảnh: Ngọc Tuấn.

Bốn bề là biển cả, điều kiện khí hậu đặc biệt khắc nghiệt đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng đường dây, trạm biến áp cũng như các thiết bị điện, do nhiễm mặn từ nước biển. Đơn cử, với thợ quản lý vận hành đường dây, trung bình mỗi tuần, họ phải thực hiện vệ sinh sứ cách điện 2 lần để ngăn chặn nguy cơ phóng điện. 

 

"Điện đầy đủ, chất lượng ổn định, giá lại giảm,… là những động lực lớn cho các doanh nghiệp trên đảo mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất. Qua đó, góp phần tạo ra công ăn việc làm, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển." 

Ông Nguyễn Phước Kim – chủ doanh nghiệp tư nhân chế biến hải sản Kim Hoa (xã Tam Thanh, huyện Phú Quý).

   

Đó là chưa kể, mỗi năm có ít nhất 3 tháng huyện đảo gần như bị cô lập. Đây là mùa gió lớn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nên tàu thuyền không thể đi lại, không thể vận chuyển dầu cho phát điện, hay đưa vật tư thiết bị từ đất liền ra “tiếp tế”.

Vì vậy, để khắc phục nhanh nhất những sự cố do mưa bão gây ra, một trong những "bí kíp" của thợ đảo là tận dụng hết mọi thiết bị, không bỏ đi bất kỳ cái gì. “Nhiều khi một con ốc, hay linh kiện nhỏ ở đất liền có thể bỏ đi, nhưng ở đảo, những lúc khó khăn thì cực kỳ quý” – anh Thanh cho biết.

Vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn, CBNV Điện lực Phú Quý vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, “sát cánh” cùng các lực lượng quân, dân trên đảo, vừa phục vụ sự phát triển của địa phương, vừa góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông Bùi Thế Nhân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết, Phú Quý đang trên đà phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế biển và thương mại – du lịch. Góp sức trong công cuộc ấy có sự cống hiến không mệt mỏi của những CBNV Điện lực Phú Quý. “Tôi rất mừng vì anh em Điện lực trên đảo hiện nay đều là người tại địa phương. Anh em đã vươn lên, làm chủ công nghệ để chủ động quản trị, điều hành công tác sản xuất điện rất hiệu quả” – ông Nhân chia sẻ. 

Cũng theo lãnh đạo huyện, nguồn điện ổn định là một trong những điều kiện quan trọng nhất để huyện đảo có được sự đổi thay mạnh mẽ, toàn diện từng ngày, từng giờ như hiện nay. Vì vậy, sự đóng góp của CBNV Điện lực Phú Quý là rất đáng trân trọng. 


Hoàng Tuyết - Ngọc Tuấn

Share