Thống kê của IEA cho biết lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu tăng 1,1% trong năm 2023, tương đương với 410 triệu tấn, đạt mức cao kỷ lục mới là 37,4 tỷ tấn. Trong đó, lượng phát thải từ than đá chiếm hơn 65% mức tăng.
Phát thải từ lĩnh vực năng lượng là nguồn chính, chiếm khoảng 70-80% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu, theo IEA và các tổ chức khác. Ngoài ra, việc đo đếm phát thải từ năng lượng cũng tương đối thuận lợi và chuẩn xác nhất.
Kết hợp hai yếu tố này khiến kết quả phát thải năng lượng thường được xem là đại diện cho mức độ phát thải chung của các quốc gia. Sau đây là top 5 nền kinh tế phát thải năng lượng nhiều nhất năm 2023, theo IEA.
Trung Quốc
Từ 2020, tổng lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đã vượt quá tổng lượng phát thải của các nền kinh tế tiên tiến cộng lại. Đến 2023, nước này phát thải 12,6 tỷ tấn, tăng 565 triệu tấn, tương đương 4,7%. Nước này đang đóng góp hơn 30% tổng lượng phát thải toàn cầu.
Nguyên nhân do tăng trưởng GDP của Trung Quốc sau đại dịch chủ yếu đến từ các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất cũng tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong khi đó, nhu cầu đi lại và vận tải tăng lên đáng kể sau khi dỡ bỏ phong tỏa, đóng góp khoảng 100 triệu tấn vào gia tăng phát thải. Bù lại, thời tiết ấm hơn đã làm giảm nhu cầu sưởi ấm và làm mát, giảm phát thải khoảng 35 triệu tấn.
Tuy nhiên, điểm tích cực là Trung Quốc dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch toàn cầu, đóng góp khoảng 60% tổng năng lượng mặt trời, điện gió và xe điện. Vấn đề chỉ là tốc độ tăng trưởng 6,1% của năng lượng tái tạo chưa đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng chung đang gia tăng
Ngoài ra, lượng phát thải bình quân đầu người của Trung Quốc đã vượt mức trung bình của các nền kinh tế tiên tiến vào 2020 và là lần đầu tiên vượt Nhật Bản vào năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn một phần ba so với Mỹ. Trung bình hàng năm một người Trung Quốc phát thải 8,9 tấn CO2.
Mỹ
Tổng lượng CO2 phát thải ngành năng lượng ở Mỹ giảm 4,1% (190 triệu tấn), trong khi nền kinh tế tăng trưởng 2,5%. Hai phần ba mức giảm phát thải đến từ lĩnh vực điện.
Chuyển đổi từ than sang khí tự nhiên là động lực chính cho việc giảm phát thải trong lĩnh vực điện của Mỹ, nhờ vào giá khí tự nhiên thấp hơn so với than. Sản lượng điện từ than giảm gần 20%, trong khi từ khí tự nhiên tăng 6%. Mùa đông ấm áp năm 2023 cũng góp phần làm giảm nhu cầu điện và nhiên liệu hóa thạch, chiếm khoảng 35% tổng mức giảm phát thải từ lĩnh vực năng lượng tại Mỹ.
Dù đứng thứ hai về tổng lượng phát thải nhưng Mỹ có lượng phát thải bình quân đầu người cao nhất thế giới, đạt 13,3 tấn CO2 vào năm ngoái, vượt xa các nước còn lại trong top 5 tổng phát thải.
Ấn Độ
Năm 2023, Ấn Độ đã vượt qua Liên minh Châu Âu để trở thành nguồn phát thải lớn thứ ba toàn cầu, đạt 2,8 tỷ tấn. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 6,7% vào 2023 đã thúc đẩy lượng CO2 phát thải tăng hơn 7%, tương đương 190 triệu tấn.
Sự gia tăng lớn trong tổng phát thải của Ấn Độ chủ yếu do phục hồi nhanh chóng trong hoạt động kinh tế sau đại dịch, với sản lượng thép và xi măng tăng nhanh hơn GDP và nhu cầu điện cũng tăng trưởng mạnh.
Nhiều nhà máy điện ở Ấn Độ sử dụng than đá. Mùa mưa năm 2023 tại nước này không thuận lợi, khiến sản lượng thủy điện giảm khoảng 15%, tương đương 25 TWh, càng làm tăng gánh nặng cho nhiệt điện. Do vậy, ngành điện lại chiếm hơn một nửa tổng lượng phát thải tăng thêm năm qua tại nước này.
Đáng chú ý, đứng thứ 3 tổng phát thải nhưng bình quân đầu người của Ấn Độ vẫn rất thấp, chỉ khoảng 2 tấn, thấp hơn một nửa mức trung bình toàn cầu (4,6 tấn).
Liên minh châu Âu
Trong năm 2023, tổng lượng CO2 phát thải từ ngành năng lượng trong Liên minh Châu Âu (EU) đã giảm gần 9% (220 triệu tấn), trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu (0,7%). Giá năng lượng cao, lãi suất và cạnh tranh quốc tế đã làm giảm sản xuất công nghiệp của khu vực này. Nhu cầu điện công nghiệp thấp hơn dẫn đến sản lượng sản xuất điện than giảm 27% và điện khí giảm 15%.
Sự phục hồi của thủy điện và hạt nhân cũng hỗ trợ giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng hạt nhân gặp khó khăn vào năm 2022 do bảo trì, nhưng một số lò phản ứng đã được khôi phục trong năm 2023. Ngoài ra, phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió, đã góp phần lớn vào mức giảm này.
Không chỉ tổng lượng phát thải giảm, lượng khí thải bình quân đầu người ở EU đã giảm mạnh, hiện chỉ cao hơn khoảng 15% so với mức trung bình toàn cầu và thấp hơn khoảng 40% so với Trung Quốc.
Nhật Bản
Nhật Bản cũng là nền kinh tế lớn đang có tổng lượng phát thải giảm. Trong hai thập niên, từ năm 2000 đến 2020, nước này phát thải 1,1-1,2 tỷ tấn CO2 mỗi năm trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, từ 2021 đến 2023, mức phát thải giảm còn một tỷ tấn mỗi năm.
Còn theo dữ liệu do Bộ Môi trường Nhật Bản công bố, tổng lượng phát thải khí nhà kính tất cả hoạt động của nước này trong năm tài chính 2022-2023, kết thúc vào tháng 3/2023 đạt 1,135 tỷ tấn, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu đo đến vào năm tài chính 1990-1991.
Nguyên nhân giảm là do năm ngoái phát thải từ công nghiệp giảm 5,3%, thương mại và dịch vụ giảm 4,2%, dù ngành vận tải tăng 3,9% do lưu lượng hành khách cao hơn trong bối cảnh các hoạt động kinh tế xã hội phục hồi sau đại dịch.
Nhật Bản đặt mục tiêu giảm 46% lượng khí thải so với mức năm 2013 vào 2030. Nếu đạt được, lượng khí thải vào thời điểm đó sẽ là 0,76 tỷ tấn.
Link gốc