Đến năm 2050, theo Deloitte, Bắc Phi sẽ có tiềm năng xuất khẩu lên tới 110 tỷ USD mỗi năm hydro xanh, vượt xa con số 63 tỷ USD của Bắc Mỹ.
Sébastien Doguet, trưởng bộ phận tư vấn kinh tế tại Deloitte, đồng tác giả của nghiên cứu, dự đoán Bắc Phi sẽ tăng tốc sản xuất hydro từ những năm 2030. “Kể từ thời điểm đó trở đi, các đường ống dẫn khí tự nhiên ở cả hai bờ Địa Trung Hải hiện tại sẽ có thể được chuyển đổi để vận chuyển hydro”, ông giải thích.
Những số liệu được công bố cần được xem xét thận trọng. Deloitte đã tính đến tiềm năng của năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió khi một số quốc gia đã đạt được tiến bộ về lĩnh vực này. “Có những dự án cụ thể đang được thực hiện. Chính phủ Maroc đã công bố chiến lược hydro và Ai Cập cũng đã bắt đầu xây dựng quan hệ đối tác, đặc biệt là với Ý. Algeria vẫn còn chậm một chút”, ông Doguet cho biết.
Hydro xanh có thể được xuất khẩu nguyên chất hoặc thông qua các sản phẩm phái sinh như amoniac. Ông Doguet chỉ ra đây là cơ hội cho một số quốc gia: “Các nền kinh tế đang phát triển cần phải quan tâm đến lĩnh vực hydro, không chỉ coi đó là một phương tiện để đa dạng hóa nguồn xuất khẩu mà còn để khử carbon cho nền kinh tế của chính họ và phát triển công nghiệp địa phương”. Cơ hội này đi kèm một chi phí không nhỏ: Ở qui mô toàn cầu, cần có 9.000 tỷ USD đầu tư vào năm 2050.
Hình minh họa
|
Thay thế nhiên liệu hóa thạch
Để giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu và đáp ứng các cam kết quốc tế về khí hậu, việc tăng nhu cầu hydro xanh trước tiên nhằm mục đích khử carbon cho các ngành công nghiệp cơ bản phát thải cao. Hóa dầu, thép, xi măng và phân bón bị ảnh hưởng đáng kể. Các phương tiện giao thông hạng nặng như hàng không hay hàng hải cũng đang khát hydro để thay thế nhiên liệu hóa thạch, vì chúng không thể phụ thuộc vào pin điện như ô tô.
Báo cáo kỳ vọng việc sản xuất hydro xanh từ năng lượng mặt trời hoặc gió cũng có thể được sử dụng để phát triển ngành công nghiệp ở các nước đang phát triển một cách toàn diện. Ví dụ, hydro có thể giúp phát triển ngành thép ở các nước phía Nam. Nhưng hiện tại, 99% hydro công nghiệp trên thế giới là “hydro xám”, đến từ khí metan tại các cơ sở hóa dầu, một quy trình thải ra một lượng lớn khí nhà kính như CO2 vào khí quyển và góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.
Chỉ dưới 1% hydro có thể được gọi là “hydro xanh”, tạo ra từ quá trình điện phân nước, tách các nguyên tử oxy và hydro bằng dòng điện.
Link gốc