Nhiều khó khăn, vướng mắc
Thời điểm trung tuần tháng 4, nhiều địa phương từ Đà Nẵng đến Bình Định vào mùa thi công nhà cửa, công trình. Hầu hết, các đơn vị, hộ gia đình khi xây dựng đều thuê xe phun bê tông để đổ mái. Chứng kiến hình ảnh các xe phun bê tông vươn cao sát đường dây trung áp, cao áp, chúng tôi không khỏi giật mình, bởi việc thi công này rất dễ xảy ra tai nạn và sự cố lưới điện.
Theo ông Lâm Hoài Nam, Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Bình Định, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, chủ yếu do các xe phun bê tông tươi có cần vươn cao, xe tải chở hàng, xe cẩu, xe ben… làm việc gần đường dây cao áp, vi phạm hành lang an toàn lưới điện, gây phóng điện.
Thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Trung cho thấy, năm 2017 và từ đầu năm 2018 đến nay, các đơn vị trực thuộc đã phát hiện, xử lý 92 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, bên cạnh các loại phương tiện như xe tải chở vật liệu, xe phun bê tông tươi có cần vươn cao, thì hoạt động xây dựng công trình, trồng cây, lắp bảng quảng cáo… cũng thường vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện.
Theo ông Ngô Trường Thắng, Phó trưởng ban An toàn, Tổng công ty Điện lực miền Trung: Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp có thể gây ra sự cố và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc xử lý những vi phạm này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điển hình như: Cơi nới nhà ở để làm lều, quán; xây dựng nhà mới vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp... đơn vị quản lý phát hiện kịp thời nhưng việc giải quyết chưa nhận được sự tham gia của chính quyền địa phương; việc chặt tỉa cây ở các vườn quốc gia, rừng phòng hộ, các nông trường cao su… nơi có đường điện đi qua cũng thiếu sự phối hợp giữa đơn vị chủ quản với ngành điện; công tác quản lý xây dựng ở một số địa phương chưa chặt chẽ, có nơi cấp phép xây dựng trong hành lang an toàn lưới điện…
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Trước tình hình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, thời gian qua, Điện lực các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đã tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình điện bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi tọa đàm, phối hợp với sở giao thông vận tải lấy danh sách các chủ phương tiện đăng ký hoạt động trên địa bàn để gửi tờ rơi…
Theo ông Võ Hòa, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, để ngăn ngừa các vi phạm, nâng cao hiểu biết cho chủ phương tiện xe cơ giới và người lái xe về những quy định khoảng cách an toàn khi làm việc gần đường dây cao áp, trong tháng 3 và tháng 4/2018, Công ty đã in và phát 2.000 tờ rơi hướng dẫn cho các công ty, doanh nghiệp, chủ phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn.
Để không xảy ra những sự cố đáng tiếc, bảo đảm an toàn, cung cấp điện ổn định cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn, trước hết chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị và từng cá nhân phải có nhận thức đúng đắn về phòng, chống tai nạn, sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Do đó, giải pháp đầu tiên là ngành điện lực cần chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn điện, về trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, giải quyết kịp thời, triệt để các trường hợp vi phạm, có nguy cơ gây sự cố.
Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Điện, cần có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong quản lý đất đai, công trình xây dựng dọc hành lang lưới điện. Hiện nay, việc xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (xử phạt hành chính và hình sự) chưa đủ sức răn đe vì mức phạt còn nhẹ, chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của việc vi phạm. Vì vậy, các chế tài về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cần được sửa đổi theo hướng tăng nặng trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm. Cùng với đó, cần gắn trách nhiệm cụ thể của cán bộ quản lý địa bàn nếu để xảy ra mất an toàn lưới điện nhằm tăng cường công tác kiểm tra và kịp thời ngăn chặn các vi phạm về an toàn lưới điện ngay từ cơ sở.