Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030 được phê duyệt với quan điểm phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) thành một ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại; phù hợp với Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường;
Đồng thời, phát huy sản xuất các cơ sở sản xuất hiện có, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; đa dạng hóa về chủng loại sản phẩm phù hợp với thực tế thi công các công trình xây dựng theo hướng nâng cao năng suất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng…
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) tiếp tục triển khai phổ biến và thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển VLXKN tại Việt nam đến năm 2030. Đồng thời, tăng cường kiểm soát tỷ lệ, đẩy mạnh sử dụng VLXKN trong quá trình thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng theo thẩm quyền đảm bảo theo quy định.
Giai đoạn đến năm 2025, đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, tỷ lệ sử dụng VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây như sau: tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 80%; tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%. Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây, trong đó ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ, kích thước lớn.
Giai đoạn đến năm 2030, đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, sử dụng 100% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây. Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 90% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây.
Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận. Khuyến khích sử dụng tối đa VLXKN vào các công trình xây dựng, không phân biệt nguồn vốn, số tầng.