Dự Hội nghị có lãnh đạo các Vụ, Tổng cục của Bộ Công Thương, đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, lãnh đạo 8 tỉnh ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên cùng đại diện chủ đầu tư các nhà máy thủy điện và hồ chứa ở khu vực miền Trung, nơi vừa chịu ảnh hưởng lớn của đợt lũ lụt lịch sử trong tháng 11 vừa qua.
Các hồ chứa thủy điện thực hiện đúng quy trình vận hành
Báo cáo về tình hình phát triển thủy điện và công tác quản lý nhà nước với các dự án thủy điện thời gian qua, ông Đỗ Đức Quân - Vụ trưởng Vụ Thủy điện cho biết: Tại địa bàn các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên) hiện có 23 công trình thủy điện đang vận hành trong đó có 15 công trình thủy điện lớn với tổng dung tích điều tiết phát điện khoảng 2.440 triệu m3 được vận hành theo Quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa. Vừa qua có một số ý kiến cho rằng một số nhà máy thủy điện ở khu vực này xả lũ gây ngập lụt lớn ở hạ du là chưa phản ánh đầy đủ khách quan thực trạng.
Hồ thủy điện tham gia xả lũ góp phần giảm lũ cho khu vực hạ du
|
Ông Quân cho rằng, nguyên nhân chính đó là chịu sự ảnh hưởng của hoàn lưu bão cơn bão số 15 đã gây mưa to đến rất to ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tổng lưu lượng mưa cả đợt này phổ biến từ 300-500 mm, riêng lưu vực sông Vệ, sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) lượng mưa lên tới gần 1.000 mm. Khi mưa xuất hiện cũng là lúc lũ lớn trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Tây Nguyên. Đỉnh lũ các sông phổ biến ở mức báo động 3 và trên báo động 3 đặc biệt là lũ trên sông Trà Khúc, sông Vệ và thượng nguồn sông Ba (tỉnh Gia Lai) đã vượt mức lịch sử.
Tại thời điểm đó, việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực miền Trung cũng đã thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình của từng hồ đã được phê duyệt không gây thêm lũ lụt cho hạ du và góp phần cắt giảm đỉnh lũ và giảm lưu lượng nước lũ về hạ du trên các sông mặc dù các hồ chứa này không có nhiệm vụ chống lũ.
Thực tế cho thấy hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 lúc 5h ngày 15/11 lũ về hồ rất nhanh với lưu lượng về từ 291m3/s đến 12h45 đã đạt đỉnh là 8333m3/s (tương ứng với đỉnh lũ lớn nhất có chu kỳ lặp lại khoảng 70 năm trước), lưu lượng xả tại thời điểm này là 2115m3/s. Như vậy, trong 12 giờ đầu của trận lũ hồ Sông Tranh 2 đã cắt/giảm được 63% lưu lượng nước lũ với dung tích 117 triệu m3. Đối với 11 hồ chứa khác ở khu vực này do EVN quản lý cũng thực hiện nghiêm túc các quy trình vận hành hồ chứa của Thủ tướng chính phủ và quy trình liên hồ chứa do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.
Tăng cường quản lý và giám sát hồ đập
Theo ông Bùi Minh Tăng – Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Tình hình lũ ống và lũ quét tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã được cảnh báo từ rất sớm. Phải chăng người dân địa phương không biết thông tin tình hình mưa và lũ lớn sẽ đổ dồn về dưới đồng bằng khi cơ quan khí tượng thủy văn trung ương đã có những bản tin dự báo từ rất sớm. Câu hỏi đặt ra, mạng lưới phát thanh truyền hình cơ sở đã làm tốt công tác thông tin cảnh báo đến người dân hay chưa?.
Ông Tằng cho rằng, cũng cần phải nhìn nhận về công tác phòng chống, kế hoạch chuẩn bị tại các địa phương còn rất sơ sài, có phần chủ quan. Các địa phương không thể đổ lỗi cho các dự án thủy điện được, vì thực tế các hồ thủy điện ở khu vực miền Trung đã đóng góp tích cực vào việc điều tiết và giảm lũ cho hạ du, ông Tăng nhấn mạnh.
Theo ý kiến đề xuất của ông Tăng: Các địa phương ở miền Trung ven biển có đường Quốc lộ 1A đi qua đang là con đê chắn nước khi mưa lũ kéo về, khi có hiện tượng sạt lở tuyến đường này thì việc chia cắt và ngập lụt kéo dài. Vì thế các địa phương cần phải duy trì tốt công tác nạo vét các tuyến cửa sông. Gia cố lại hệ thống các đê bao chống lũ và điều quan trọng nhất đó là tư duy về phòng chống lu lụt ở khu vực này cần phải thay đổi, việc sống chung với lũ ở khu vực này đã trở thành thường xuyên vì đặc thù địa lý, không có cách nào khác...
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng đồng tình với ý kiến của ông Bùi Minh Tăng và cho biết thêm: Thời gian tới cần phải đầu tư nâng cấp hệ thống quan trắc, kết hợp thêm hệ thống loa tuyên truyền để kịp thời thông báo đến người dân khi tiến hành công tác xả lũ để người dân chủ động di chuyển kịp thời. Công tác quy hoạch giao thông và quản lý hệ thống rừng phòng hộ phải được chấn chỉnh để hạn chế khả năng ngập lụt khi có bão lũ xảy ra.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh rằng, công tác vận hành các công trình dự án thủy điện không tránh khỏi những hạn chế tác động đến đời sống người dân khu vực hạ du. Tuy nhiên, cần phải đánh giá làm rõ thêm việc phối hợp quản lý hồ chứa thủy điện để nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án này cũng như công tác quản lý vận hành xả lũ, làm tốt công tác dự báo tại các hồ chứa, để mang lại an tâm cho người dân tại các địa phương trong mùa mưa bão.
Qua ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ đồng thời xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý hệ thống an toàn hồ chứa thủy điện ngày càng khoa học hạn chế những thiệt hại trong quá trình xả lũ.
Thống kê các hồ thủy điện tham gia cắt giảm lũ trong đợt lũ lụt lịch sử tháng 11/2013 tại miền Trung - Tây Nguyên như sau:
- Trên khu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: Hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã cắt giảm 63% lưu lượng nước lũ với dung tích 117 triệu m3; Hồ thủy điện Đắc Mi 4 cắt được tổng lưu lượng nước về hạ du 45,62 triệu m3 (chiếm 18,84% tổng lượng nước lũ).
- Trên lưu vực sông Ba: Hồ thủy điện sông Ba Hạ cắt giảm 34 triệu m3 (chiếm 6,7% tổng lưu lượng nước lũ); Hồ thủy điện Ka Nak cắt giảm được 13,7 triệu m3 (chiếm 9,9% tổng lưu lượng nước lũ về hồ); Hồ thủy điện An Khê cắt giảm được 9,6% lưu lượng đỉnh lũ.
|
Văn Lương
Share