Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: 'Tôi thấy được khát vọng chuyển đổi số của EVN'

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động đề xuất tổ chức buổi làm việc, thảo luận về chuyên đề chuyển đổi số. Buổi làm việc diễn ra ngày 21/8, tại Hà Nội, được EVN kết nối trực tuyến tới hơn 200 điểm cầu tại các đơn vị thành viên của mình trên toàn quốc.

Cùng dự buổi làm việc còn có:  Ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo các Cục, Viện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về phía EVN có Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVN Nguyễn Hữu Tuấn, các Thành viên HĐTV, các Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, lãnh đạo Công đoàn Điện lực Việt Nam và lãnh đạo các ban, các đơn vị EVN. Buổi làm việc được truyền hình trực tuyến đến tất cả các đơn vị ngành Điện trên cả nước. 

Bộ trưởng đặt niềm tin vào EVN

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, khi EVN chuyển đổi số thành công, sẽ đủ sức tạo sự lan tỏa tới các ngành, các lĩnh vực khác. EVN có rất nhiều cơ hội trong chuyển đổi số, với ưu thế là Tập đoàn mạnh, có tiềm lực tài chính, có hạ tầng quy mô, sở hữu nhiều nguồn dữ liệu và dễ dàng kết nối với các đối tác. “Qua trao đổi, làm việc với Tập đoàn, tôi thấy được khát vọng của EVN. EVN hãy là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, với mục tiêu không phải 2025, mà là sớm hơn, vào năm 2022. Tôi có niềm tin vào điều này” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: N.Tuấn

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc chuyển đổi số thành công phụ thuộc vào sự dẫn dắt của người đứng đầu Tập đoàn; và cần đặt ra các mục tiêu cao trong bối cảnh CMCN 4.0. EVN cũng cần tập hợp được sự sáng tạo từ các nguồn lực bên ngoài Tập đoàn.

Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ Thông tin & Truyền thông, cùng với 50.000 doanh nghiệp trong ngành sẵn sàng song hành cùng EVN trong chuyển đổi số.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi, chia sẻ, trả lời các câu hỏi về chuyển đổi số của lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các tổng công ty của EVN. Các thành viên đoàn công tác Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đã góp ý, định hướng về chương trình chuyển đối số của EVN.

Ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, những gì EVN đã làm trong quá trình chuyển đổi số để phục vụ khách hàng sử dụng điện là rất đáng ghi nhận; cần tiếp tục lấy người dân, lấy khách hàng là trung tâm của chuyển đổi số.

Ông Hoàng Minh Cường – Cục trưởng Cục Viễn thông đánh giá, EVN là 1 trong số ít tập đoàn có thế mạnh hạ tầng số đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số. EVN có mạng dùng riêng lớn nhất Việt Nam, tuy vậy, EVN cần tiếp tục nâng cấp, mở rộng cho các nhu cầu kết nối dữ liệu của chuyển đổi số, xem xét phối hợp sử dụng các hạ tầng viễn thông công cộng để tăng năng lực mạng.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân (ngồi bên trái) và Cục trưởng Cục Tin học hóa - Nguyễn Huy Dũng (ngồi bên phải) ký biên bản hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp. Ảnh: N.Tuấn

EVN tích cực chuyển đổi số

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết, Tập đoàn nhận thức rõ việc ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 và việc triển khai các nội dung của Chương trình chuyển đổi số quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của EVN trong giai đoạn hiện tại và tương lai. EVN đã xây dựng và triển khai đề án Nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 vào sản xuất kinh doanh của EVN; thành lập Ban chỉ đạo 4.0 có thành phần là lãnh đạo Tập đoàn và người đứng đầu các đơn vị thành viên.

Đồng thời, tích cực nghiên cứu và triển khai thực hiện, áp dụng các đề án, dự án có liên quan vào các hoạt động điều hành, sản xuất, kinh doanh của EVN, từng bước thực hiện công tác chuyển đổi số theo định hướng được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Báo cáo cụ thể, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, mục tiêu của EVN là ứng dụng triệt để, toàn diện sức mạnh của công nghệ số và CNTT, đặc biệt là các công nghệ lõi của CMCN 4.0 như: IoT, BigData, AI, Blockchain, Cloud,..., tiếp tục đẩy mạnh chuyển đối số trên mọi lĩnh vực từ hoạt động quản trị doanh nghiệp, kinh doanh & dịch vụ khách, cải thiện kết quả hoạt động SXKD của EVN, xây dựng Tập đoàn trở thành doanh nghiệp số.

Tập đoàn định hướng nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn công nghệ phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện tại của EVN để triển khai thực hiện theo từng lĩnh vực, từng khối. Nghiên cứu phát triển và ứng dụng 4.0 cần phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn để triển khai nhất quán trong toàn Tập đoàn. EVN cũng đặt mục tiêu thiết lập nền tảng chung (platform) thống nhất cho toàn EVN bao gồm cơ sở dữ liệu và ứng dụng; thống nhất nguyên lý lựa chọn ứng dụng đảm bảo phù hợp với kiến trúc thông tin, kiến trúc tích hợp của Tập đoàn. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý tài sản nhằm hỗ trợ công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra báo cáo và phân tích trợ giúp ra quyết định về sửa chữa, bảo dưỡng. Ứng dụng công nghệ để quản lý hiệu suất tài sản, giảm thời gian ngừng hoạt động và kéo dài tuổi thọ của tài sản.

EVN quan điểm "số hóa" là việc biến đổi các quy trình, nghiệp vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, các giá trị thực sang dạng số. Còn "chuyển đổi số" là khi có dữ liệu được số hoá, EVN sẽ sử dụng các công nghệ như AI, Big Data, Blockchain và hạ tầng CNTT tiên tiến để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.

Những kết quả nổi bật bước đầu trong chuyển đổi số của EVN:

- Hoạt động điều độ Hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện: Hệ thống SCADA/EMS, hệ thống CNTT cho thị trường điện,…

- Lĩnh vực phát điện:

+ Các nhà máy thủy điện mới xây dựng đã trang bị công nghệ theo dõi trạng thái vận hành thiết bị theo điều kiện thực tế thiết bị (condition-based) và sửa chữa bảo dưỡng hướng tới độ tin cậy (reliability-centered maintenance);

+ Các nhà máy nhiệt điện sử dụng thiết bị theo dõi thông số, trạng thái vận hành liên tục như độ rung, nhiệt độ, áp suất,... các thiết bị.

- Lĩnh vực truyền tải:

+ 80% trạm biến áp sử dụng hệ thống điều khiển bằng máy tính, các thiết bị bảo vệ trong các TBA đều sử dụng rơle số.

+ Chuyển 60% TBA 220kV và 100% TBA 110kV thành các TBA không người trực (năm 2020).

+ Các TBA đang được EVN tiến hành ứng dụng công nghệ GIS giúp tin học hóa việc quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, hỗ trợ việc điều hành một cách nhanh chóng và hiệu.

- Lĩnh vực quản trị doanh nghiệp:

+ Triển khai hệ thống Quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP) toàn EVN.

+ 100% CBCNV sử dụng hệ thống hồ sơ điện tử thông qua phần mềm HRMS.

+ 100% các đơn vị sử dụng hệ thống E-Office để giải quyết các công việc; và đã triển khai ký số các văn bản điện tử.

- Lĩnh vực kinh doanh và chăm sóc khách hàng:

+ Cuối năm 2018, EVN hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ điện tương đương với dịch vụ công cấp độ 4.

+ Năm 2019, EVN áp dụng “Hợp đồng điện tử” đối với hợp đồng mua bán điện và kết nối, cung cấp dịch vụ điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. 

 


  • 21/08/2020 02:24
  • N.H
  • 8645