Bóng đèn tròn sợi đốt trên 60W vẫn được mua bán công khai

06:54, 20/02/2013

Quy định không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông các sản phẩm đèn tròn sợi đốt có công suất hơn 60 W đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Tuy nhiên, việc mua bán trên thị trường vẫn rất dễ dàng và các cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự vào cuộc.

Vẫn thoải mái lưu thông trên thị trường

Theo giới thiệu của người quen, chúng tôi đã hẹn gặp chủ kho hàng chuyên phân phối bóng đèn sợi đốt cho nhiều đại lý trên cả nước. Với tư cách là khách hàng cần mua 100 bóng đèn sợi đốt công suất trên 60 W lắp cho trang trại chăn nuôi gà, tôi đã gặp được chủ kho tên Điệp tại khu tập thể D1 Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Qua cuộc trò chuyện, tôi mới biết, cơ sở này chuyên bán buôn nên số lượng 100 bóng mà tôi muốn mua chẳng thấm tháp gì.

Việc mua bán sử dụng bóng đèn sợi đốt trên 60W vẫn diễn ra phổ biến sau ngày 1/1/2013

Chúng tôi tạt qua một số cửa hàng bán bóng đèn, đồ điện trên phố Lương Định Của gần chợ Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Tại đây, muốn mua bao nhiêu cũng được, không thiếu hàng. Các chủ cửa hàng cho biết vì có lệnh cấm sản xuất, lưu thông bóng đèn tròn sợi đốt nên khoảng tầm vài tháng nữa, bóng đèn sợi đốt sẽ bắt đầu khan hiếm. Theo họ,  nếu có nhu cầu thì cần mua ngay vì thời gian tới, giá có thể sẽ bị đẩy lên.

Rõ ràng, các cửa hàng đồ điện, có bán bóng đèn sợi đốt trên 60 W đều biết rõ quy định cấm nhập khẩu, sản xuất, lưu thông loại bóng này, nhưng vẫn phớt lờ luật pháp, thoải mái kinh doanh mặt hàng này mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Cần sớm có chế tài xử  phạt

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Minh Hải – Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, theo Nghị định số 73/2011/NĐ-CP ngày 24/8/2011của Chính phủ, việc vi phạm các quy định về sản xuất, nhập khẩu, các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc danh mục “Phương tiện, thiết bị phải loại bỏ” sẽ bị xử lý nghiêm. Cụ thể, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc danh mục “Phương tiện, thiết bị phải loại bỏ”. Như vậy, đối chiếu với quy định này, trước mắt, sẽ chỉ xử phạt đối với người sản xuất, nhập khẩu loại bóng đèn tròn sợi đốt 60 W trở lên. Riêng đối với hành vi mua bán thì không có quy định, nên rất  khó xử phạt.

Theo một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, trước quy định không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông các sản phẩm đèn tròn sợi đốt có công suất hơn 60 W, các nhà sản xuất, nhập khẩu chủng loại bóng đèn này cần phải có chính sách hỗ trợ các cửa hàng, đại lý và tiến hành thu hồi sản phẩm của mình. Ngoài ra, cũng cần có chế tài xử lý đối với hành vi mua bán bóng đèn sợi đốt công suất lớn.

Ông Chu Văn Thống – Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn: Trước mắt vẫn giải thích, tuyên truyền là chính

Thực hiện quy định không nhập khẩu, sản xuất, lưu thông bóng đèn sợi đốt, chúng tôi đã phối hợp với Công ty Điện lực Bắc Kạn tổ chức tuyên truyền đến nhiều đơn vị và người dân. Hiện tại, vì không có quy định xử phạt với việc mua bán đèn sợi đốt công suất lớn nên Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường (thuộc Sở Công Thương) chủ yếu dựa vào tuyên truyền, giải thích chính sách cho bà con là chính.

Chị Nguyễn Thị Năng (Yên Trung, Thạch Thất, Hà Nội): Lợi ích trông thấy rõ khi không sử dụng đèn sợi đốt

Từ sau khi được tuyên truyền về tiết kiệm điện do UBND xã, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Điện lực tổ chức, gia đình tôi đã không sử dụng bóng đèn sợi đốt công suất cao nữa, thay thế toàn bộ số bóng đèn trong nhà bằng đèn compact tiết kiệm điện. Mặc dù thời gian đầu cũng lo đèn compact tiết kiệm điện không sưởi ấm được chuồng trại chăn nuôi. Nhưng qua thực tế, tôi thấy đàn lợn con, đàn gà con vẫn phát triển bình thường và khỏe mạnh. Tháng rồi, tôi tiết kiệm được gần 80 nghìn đồng tiền điện nhờ không sử dụng bóng đèn sợi đốt.

 

 


Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện

Share