Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc NPTS
|
PV: Ông có thể cho biết những thông tin khái quát về phong trào lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học được NPTS ?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: NPTS được thành lập trên cơ sở nòng cốt là lực lượng kỹ thuật làm công tác thí nghiệm và sửa chữa các thiết bị trên lưới truyền tải điện (TTĐ). Do vậy, việc nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật trong quá trình sản xuất là công việc mà NPTS thường xuyên thực hiện.
Trong những năm qua, công ty đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích CBCNV đề xuất các ý tưởng, xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học; các đề tài của NPTS đều xuất phát từ nhu cầu của thực tế sản xuất, nhằm phục vụ cho chính quá trình sản xuất của NPTS và EVNNPT.
Đơn cử như đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp trên nền tảng giao thức IEC 61850 sử dụng phần mềm giám sát điều khiển độc lập với nhà sản xuất thiết bị” đây là đề tài đã giúp EVNNPT hoàn toàn làm chủ được hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp (TBA), thoát khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng sản xuất thiết bị, góp phần tích cực trong việc giảm giá thành đầu tư các công trình, cũng như làm chủ về công tác cài đặt, hiệu chỉnh, sửa chữa trong quá trình vận hành.
PV: Các công trình nghiên cứu khoa học đã đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số của NPTS và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Các ý tưởng, đề tài đều xuất phát từ thực tế sản xuất nên tính thực tiễn rất cao. Và ngay sau khi được nghiệm thu, các đề tài đều được đưa vào áp dụng, triển khai thực tiễn.
Trong 5 năm qua, NPTS đã hoàn thành 5 đề tài nghiên cứu khoa học, việc ứng dụng các đề tài này đã mang lại hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn cho doanh nghiệp. Có thể kể đến đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp trên nền tảng giao thức IEC 61850 sử dụng phần mềm giám sát điều khiển độc lập với nhà sản xuất thiết bị” đã được áp dụng tại TBA 220kV Tam kỳ; TBA 220kV Yên mỹ, TBA 220kV Sơn Động,... giúp cho EVNNPT hoàn toàn làm chủ công tác cài đặt, hiệu chỉnh, sửa chữa hệ thống điều khiển TBA, không còn phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài.
Hay như đề tài “Nghiên cứu thiết kế, tổ hợp, lắp ráp máy hút chân không công suất lớn” đã góp phần giảm thời gian công đoạn hút chân không cho máy biến áp trong quá trình lắp đặt, sửa chữa từ 24-36h xuống còn 4-6h, qua đó rút ngắn thời gian thi công, giảm thời gian cắt điện, sớm đưa thiết bị vào vận hành làm gia tăng công suất truyền tải…
Thực hiện chủ đề và kế hoạch chuyển đổi số trong toàn EVN, NPTS đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý thí nghiệm”, đề tài đã thực hiện việc số hóa toàn bộ các khâu: lập danh mục các thiết bị cần thí nghiệm hàng năm, lập kế hoạch thực hiện hàng tuần, hàng tháng, số hóa các biên bản thí nghiệm, ký số các biên bản, cảnh báo các số liệu vượt tiêu chuẩn, cảnh báo các thiết bị đến hạn và quá hạn thí nghiệm, theo dõi trên biểu đồ về diễn biến các kết quả thí nghiệm qua các năm, đưa ra các báo cáo theo yêu cầu,… Với những kết quả đạt được như đã nêu, NPTS đã đóng góp và thực hiện tích cực vào kế hoạch chuyển đổi số trong toàn EVN, EVNNPT và NPTS.
Kỹ sư, công nhân NPTS thay máy cắt tại trạm biến áp
|
PV: Những bước đi của NPTS trong thời gian tới là gì để tiếp tục góp phần công cuộc chuyển đổi số của EVN, EVNNPT, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Trong thời gian tới, NPTS sẽ tiếp tục bồi huấn, đào tạo nâng cao trình độ CBCNV nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu ngày càng cao của công việc, tiếp tục ứng dựng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học 4.0 vào sản xuất, góp phần tích cực trong việc đưa EVNNPT trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện hàng đầu châu Á.
Ngoài ra, NPTS sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật và nghiên cứu khoa học, đặc biệt các đề tài liên quan đến công tác chuyển đổi số và làm chủ công tác cấu hình, cài đặt, hiệu chỉnh các hệ thống điều khiển TBA do các Hãng Siemens, GE, ABB, Toshiba, NARI,…hiện đang có trên lưới EVNNPT.
PV: Xin cảm ơn ông!