Các hồ chứa thủy điện lớn đã phát huy được vai trò chống lũ, chống hạn và đảm bảo an ninh nguồn nước

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”. Hội nghị do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức sáng 17/8, tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương. Về phía EVN có ông Dương Quang Thành – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch HĐTV EVN tham dự. 

Hội nghị giải trình "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh họat và quản lý an toàn hồ đập" diễn ra ngày 17/8

Giải trình về vấn đề vận hành hồ chứa thủy điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Hiện nay, cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác. Các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước. 

Các hồ chứa thủy điện đã góp phần quan trọng vào việc cắt, giảm, làm chậm lũ cho hạ du, góp phần giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra. Đây cũng là nguồn cung nước cho sinh hoạt, sản xuất,... vào mùa cạn, góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực.

Hồ chứa thủy điện, ngoài nhiệm vụ cơ bản là phát điện, đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, còn phải đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế - môi trường - xã hội. Điển hình như, đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của vùng hạ du trong mùa kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong thời kỳ mùa lũ.

Trong thời gian qua, việc vận hành công trình thủy điện theo Quy trình vận hành (QTVH) liên hồ và đơn hồ đã được các chủ đập thủy điện tuân thủ. Các chủ đập đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, thực hiện đúng quy định trước khi xả lũ, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để dự báo thủy văn cho công trình.

Nhiều đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương xây dựng các quy định về cách thông báo và ứng xử với từng trường hợp cụ thể, thiết lập hệ thống cảnh báo xả lũ dọc sông tại các vị trí cần thiết, chủ động đề xuất để tham gia vào Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của địa phương và mời đại diện của địa phương tham gia Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của nhà máy. 

Đặc biệt, ở các lưu vực sông Vu Gia - Thu bồn, sông Ba, các nhà máy thủy điện đã đảm bảo hài hòa giữa lợi ích phát điện và nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp ở hạ du. Các cấp chính quyền ở địa phương đã chủ động tính toán và phối hợp với chủ đập thủy điện xây dựng kế hoạch xả nước phù hợp với tình hình thời tiết và nguồn nước tại hồ chứa thủy điện.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong các Quy trình vận hành và thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện nhỏ do địa phương quản lý. Để nâng cao hiệu quả vận hành các công trình thủy điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung về quản lý đập, hồ chứa thuỷ điện vào Luật Điện lực để thống nhất trong quản lý ngành Công Thương.

Hồ và đập hồ chứa thủy điện Tuyên Quang thuộc EVN

Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên & Môi trường làm rõ, thống nhất, xây dựng cơ chế phối hợp điều tiết nước các hồ chứa thủy điện trong mùa kiệt; rà soát các quy định về điều tiết nước các hồ chứa thủy điện, thủy lợi để cấp nước cho hạ du trong thời kỳ mùa kiệt, trong đó có xét đến sự phối hợp cấp nước của các hệ thống thủy lợi, nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng nước trong mùa kiệt.

Đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt thời gian tích nước của các thủy điện trong quy trình liên hồ, tăng cường độ chính xác của công tác dự báo thủy văn, nghiên cứu hiệu chỉnh các quy định linh hoạt để thích nghi với biến đổi khí hậu và các điều kiện thủy văn diễn biến khó lường. Xây dựng quy định/hướng dẫn cách xác định hành lang thoát lũ và quản lý hành lang thoát lũ để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du khi vận hành xả lũ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, đặt mục tiêu năm 2045 phải chủ động được nguồn nước ngọt cho nhu cầu sản xuất và nước ngọt sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho khoảng 125 triệu dân; chất lượng nước phải đồng đều giữa thành thị và nông thôn,...

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cần đổi mới tư duy, hoàn thiện quy định pháp luật trong quản lý an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập; phải coi nước là hàng hóa đặc biệt để có biện pháp sử dụng hợp lý; tập trung các giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước; tăng cường quan hệ quốc tế trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập...