Những yêu cầu khắt khe
Theo ông Bùi Thức Khiết - Nguyên Giám đốc đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, nhà máy thủy điện là công trình rất phức tạp và nếu có sự cố thì mức độ ảnh hưởng tới vùng hạ du là rất lớn. Do đó, trong quá trình thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy chuẩn xây dựng.
Ông Khiết dẫn chứng, khi thi công đập Nhà máy Thủy điện Thác Bà, các chuyên gia đến từ Liên Xô (cũ) hướng dẫn và kiểm tra rất kĩ, với những yêu cầu cực kỳ khắt khe. Phần lớn đất ở Việt Nam có độ ẩm cao, nên cần phải sấy khô trước khi đưa vào đắp đập để đảm bảo độ ẩm phù hợp. Ngoài ra, thành phần hạt trong đất (hạt nhỏ, hạt lớn, hạt trung bình) cũng là một tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng khi lựa chọn đất để đắp đập phụ. Tiếp đó là đầm nén. Khi đắp đập, chỉ đắp 20cm/lớp và phải đầm đến khi nào đạt tiêu chuẩn mới được đắp sang lớp khác. Ở hiện trường luôn có một đội thí nghiệm để kiểm tra chất lượng đất, công tác đầm nén...
Thủy điện Hòa Bình
|
Cùng với đó, các hạng mục đắp đất đều phải hoàn thành trong mùa khô vì bước sang mùa mưa, độ ẩm trong đất sẽ tăng lên khiến lớp tiếp giáp thay đổi. Tuy nhiên, với đập chính, không thể hoàn thành trong một mùa khô. Trong trường hợp đó, sẽ có quy trình hướng dẫn khi mưa xuống phải làm như thế nào, cần xử lý bề mặt ra sao để tiếp tục đắp đập đảm bảo yêu cầu chất lượng…
Còn khi nhà máy đi vào vận hành, phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập; đồng thời, liên tục theo dõi và quan trắc, đo hệ số nước thấm, kiểm tra mặt đập,… để phát hiện kịp thời các tình huống, bởi chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể dẫn tới sự cố lớn.
Các công trình thủy điện đều được đánh giá an toàn đập trước mùa mưa bão. Hiện nay, không chỉ có thủy điện lớn mà các thủy điện nhỏ đều phải lập báo cáo an toàn đập gửi về Bộ Công Thương. Nếu công trình đảm bảo an toàn mới được vận hành; ngược lại, nếu còn có thiếu sót sẽ không được phép tích nước. Riêng với những công trình trên 50 MW, hàng quý, hàng năm, Tổ nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đều kiểm tra chất lượng công trình, đánh giá tình trạng hoạt động.
Theo ông Bùi Thức Khiết, hiện các công trình thủy điện ở nước ta đều đang được quản lý khá chặt chẽ. Do vậy, có thể yên tâm về vấn đề an toàn hồ đập, đặc biệt là thủy điện vừa và lớn.
Không được phép chủ quan
Dù đã và đang được quản lý chặt chẽ nhưng sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào cũng cho Việt Nam bài học kinh nghiệm, đó là cần tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn đập. Theo ông Bùi Thức Khiết, đối với công trình thủy điện, khi xây dựng, chủ đầu tư cũng đã có đánh giá, tính toán về rủi ro an toàn đập. Những tính toán này nhằm đảm bảo công trình gần như an toàn tuyệt đối. Ví dụ, với Thủy điện Hòa Bình, khi xây dựng đã tính tới tình huống công trình sẽ gặp những cơn lũ với tần suất một vạn năm mới có 1 lần; trong khi đó, từ trước tới nay, ở Hòa Bình mới quan trắc được lũ có tần suất một trăm năm mới có 1 lần. Tuy nhiên, đối với vùng hạ du, cũng cần xây dựng các kịch bản rủi ro.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tài Sơn – Nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 cho biết, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư phải phổ biến cho người dân và chủ các công trình liên quan trong những khu vực bị ảnh hưởng về những rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời, tổ chức diễn tập nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn, năng lực ứng phó cho người dân, giúp họ chủ động khi có tình huống xấu xảy ra.
Cũng theo ông Nguyễn Tài Sơn, các công trình thủy điện cần phải thực hiện đúng tiến trình đánh giá an toàn đập. Đánh giá này phải có chu kỳ, không chỉ dừng lại ở công tác thiết kế; mà phải theo định kỳ 3 năm, 5 năm, 10 năm…, để bổ sung, nâng cấp khi cần. Khi thời tiết đang ngày càng khắc nghiệt và khó lường không được phép chủ quan trong mọi tình huống.
Tính đến tháng 5/2018:
- Có 385 nhà máy thủy điện đang vận hành.
- Các hồ đập thủy điện có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 nước, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước.
Nguồn: Bộ Công Thương
|