Chủ tịch HĐTV Dương Quang Thành: 8 vấn đề then chốt của EVN

Ngày 4/1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành chỉ ra 8 vấn đề then chốt mà EVN cần thực hiện để triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Dương Quang Thành chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của EVN - Ảnh: Thành Trung

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành, năm 2016, Tập đoàn đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả to lớn đã đạt được vẫn còn những tồn tại trong vận hành hệ thống điện và trong quản lý đầu tư xây dựng. Bước sang năm 2017, EVN tiếp tục phải đối mặt với 3 khó khăn lớn trong việc cung ứng điện, thu xếp vốn và khó khăn về tài chính. Do đó, để giải quyết những tồn tại và triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN đưa ra 8 vấn đề then chốt mà Tập đoàn cần tập trung thực hiện, gồm:

Thứ nhất, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. EVN đã có dự phòng về công suất, tuy nhiên hệ thống bị mất cân đối giữa các vùng miền. Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN phải tập trung nguồn lực đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các dự án trọng điểm, cấp bách; nghiên cứu đầu tư điện mặt trời tại các văn phòng của các đơn vị và các trạm biến áp ở khu vực có tiềm năng, khả thi về sử dụng năng lượng mặt trời cho phát điện; đặc biệt là vận hành an toàn, ổn định các dự án nguồn điện than có tỷ trọng lớn ở phía Nam như Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; phát triển nhanh các dự án nguồn năng lượng mới và tái tạo, phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh.

Đồng thời, phải tính toán các giải pháp căn cơ để đáp ứng đủ điện cho cả trung hạn và dài hạn, tính toán đưa nguồn điện sử dụng khí hóa lỏng LNG để thay thế điện hạt nhân; Lập kế hoạch và xây dựng giải pháp đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện trong dài hạn, mang tính cạnh tranh.

Thứ 2, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động. Như Thủ tướng đã nói, năng suất lao động nói chung của Việt Nam còn thấp, trong đó, năng suất lao động của ngành Điện mặc dù tương quan vẫn cao hơn bình quân chung của đất nước, nhưng còn thấp hơn nhiều công ty cùng chuyên ngành trong khu vực. Đây là tồn tại mà EVN cần khắc phục, phải thay đổi tư duy, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu sức lao động chân tay.

Việc áp dụng khoa học công nghệ sẽ làm tăng năng suất lao động, nhưng cũng làm dôi dư lao động. Vì vậy, các đơn vị và Tập đoàn phải xây dựng kế hoạch đào tạo lại, bố trí hợp lý và xây dựng chế độ chính sách để khuyến khích người lao động nghỉ chế độ.

EVN sẽ đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2017 - Ảnh: Thành Trung

Thứ 3, về năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng từ vị trí thứ 6 lên thứ 4 trong khối các nước ASEAN là một thách thức không nhỏ. Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 24 điều chỉnh Thông tư 33 về thời gian tiếp cận điện năng. Do đó, Tập đoàn phải xem xét điều chỉnh Quy trình kinh doanh để phù hợp với quy định mới. Cùng với nỗ lực giảm thời gian, cần giảm cả 2 chỉ tiêu SAIDI và chi phí để thực hiện tiếp cận điện năng có trong tiêu chí đánh giá.

Thứ 4, tăng cường công tác quản trị, sắp xếp bộ máy quản lý, vận hành hợp lý nhằm tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Năm 2016, Tập đoàn đã đề ra phương hướng và giải pháp thực hiện nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Nhiệm vụ này tiếp tục được triển khai trong năm 2017, trong đó, quý 1 phải hoàn thành và ban hành toàn bộ các quy chế, quy định để áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, sau khi Chính phủ ban hành các nghị định về Điều lệ và Quy chế tài chính; công khai và minh bạch chi phí, giá thành, giá điện để dân biết, dân kiểm tra.

Minh bạch chi phí bao gồm cả tách bạch chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí công ích. Hội đồng thành viên đã phê duyệt đề án tách bạch chi phí công ích, do đó cần báo cáo Bộ Công thương và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương, phương thức xác định và phạm vi để tính toán cho năm 2017.

Tiết kiệm trong đầu tư xây dựng là vấn đề có ý nghĩa lớn trong giảm chi phí. Để tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cần tập trung ở tất cả các khâu, từ lập dự án, biện pháp thi công, đấu thầu đến kiểm soát trong quá trình xây dựng. Khi giao kế hoạch, Tập đoàn sẽ giao tốc độ tăng đầu tư tối đa 80% tốc độ tăng điện thương phẩm và tiết giảm 10% chi phí đầu tư so với kế hoạch. Phân chia gói thầu để tăng cường cạnh tranh, Tập đoàn sẽ điều chỉnh quy chế đấu thầu theo hướng cạnh tranh hơn, sẽ xem xét huỷ thầu nếu chỉ có 1 nhà thầu tham gia hoặc chỉ có 1 nhà thầu đạt kỹ thuật. Kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt trong đầu tư xây dựng...

Thứ 5, cải cách hành chính, xây dựng văn phòng điện tử cấp độ 4. Hiện, 63 tỉnh, thành phố và hầu hết các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành Văn phòng điện tử. Tập đoàn và các đơn vị khẩn trương xây dựng văn phòng điện tử cấp độ 4, đảm bảo hầu hết dịch vụ của EVN và các đơn vị được thực hiện thông qua mạng; cần giải quyết nhanh các văn bản, công việc được giao ở các đơn vị và Tập đoàn. 

Hiện, Văn phòng Chính phủ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu báo cáo hằng tháng, do đó, Tập đoàn cũng phải thực hiện theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ đối với nhiệm vụ được giao. Trong quý 1/2017, Tập đoàn phải hoàn thành đề án văn phòng điện tử để áp dụng cho tất cả các đơn vị trong Tập đoàn.

Thứ 6, công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với định hướng kinh tế thị trường, EVN cần hoàn thành cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) trong năm 2017 và các GENCO còn lại trong năm 2018; đổi mới, sắp xếp khối truyền tải và phân phối theo thị trường điện bán buôn và bán lẻ.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 58 về sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, trong đó EVN chỉ giữ 6 nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các nhà máy liên quan đến nhà máy đa mục tiêu, lưới truyền tải và phân phối, còn lại cổ phần hóa khâu bán lẻ và dịch vụ. Các nhà máy đang và sẽ xây dựng thành lập công ty hạch toán phụ thuộc để quản lý, khi xây dựng xong thì cổ phần hóa. Do đó Tập đoàn sẽ xây dựng lại đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017-2020 phù hợp với Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ; sắp xếp lại các ban quản lý dự án (QLDA), trong đó có Ban QLDA Điện hạt nhân để tiếp nhận và thực hiện các dự án mới.

Thứ 7, triển khai chủ đề "Đẩy mạnh khoa học công nghệ". Đây là nội dung được Tập đoàn đặt làm trọng tâm trong năm, đánh dấu một bước tiến mới trong nhận thức để từng bước theo kịp phát triển khoa học công nghệ trên thế giới, là tiền đề nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành trên các mặt hoạt động của toàn Tập đoàn giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Hội đồng thành viên đã ban hành nghị quyết về chủ đề năm, trong đó chỉ đạo đầy đủ mục tiêu, nội dung cũng như các giải pháp để thực hiện. 

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tặng Cờ thi đua cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2016 - Ảnh Xuân Tiến

Thứ 8, tiếp tục xây dựng văn hóa EVN. Thủ tướng cũng biểu dương EVN về tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của tập thể lãnh đạo và CBCNV Tập đoàn. Do đó, EVN cần phát huy hơn nữa tinh thần này nhằm xây dựng văn hóa ngành Điện vì dân, phục vụ nhân dân, một ngành Điện có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, chăm lo đời sống người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; văn hoá khắc phục sửa chữa khuyết điểm nếu có khuyết điểm, văn hoá đoàn kết thi đua sản xuất xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm nhà máy đèn Bờ Hồ ngày 21/12/1954: "Các cô, các chú giống như một bộ máy. Nếu có một bộ phận, một người nào mắc khuyết điểm mà không sửa chữa thì ảnh hưởng xấu đến cả guồng máy chung. Vì thế, các cô, các chú, lao động trí óc và lao động chân tay, phải đoàn kết chặt chẽ thi đua làm cho nhà máy phát triển".

Văn hóa EVN cần phải được triển khai đồng bộ từ trên xuống, theo cả chiều sâu và chiều rộng. Trong đó, mỗi CBCNV là một nhân tố đang thực thi và phản ánh văn hóa của cả một đơn vị, rộng hơn nữa là của một Tập đoàn và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, uy tín của thương hiệu EVN.

Mỗi CBCNV của EVN đều phải là một đại sứ để đưa các giá trị văn hóa EVN lan tỏa tới cộng đồng. Tập đoàn phải phát động phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với xây dựng văn hoá EVN với chủ đề học tập, quán triệt và thực hiện lời dạy của Bác khi Người về thăm Nhà máy Đèn Bờ Hồ ngày 21/12/1954.

Đối diện với những khó khăn, thách thức phía trước, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành bày tỏ sự tin tưởng, với truyền thống 62 năm kiên cường bất khuất trong lao động sản xuất của những người công nhân điện, với sự cần cù, sáng tạo của thế hệ những người làm điện ngày hôm nay, với tinh thần ĐỒNG TÂM HIỆP LỰC, PHÁT HUY DÂN CHỦ, LUÔN LUÔN SÁNG TẠO, TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, hơn 10 vạn CBCNV của Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Chính phủ và của Nhân dân.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Khuất Quang Mậu đã phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.


  • 04/01/2017 02:41
  • Xuân Tiến (lược ghi)
  • 11076