Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam trúng cử Đại biểu Quốc hội

Ủy ban bầu cử Thành phố Hà Nội vừa thông qua kết quả bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành là 1 trong 30 người trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV của TP. Hà Nội.

Ông Dương Quang Thành sinh ngày 15/7/1962, quê quán tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông Thành có học vị Tiến sỹ kinh tế và trình độ lý luận chính trị cao cấp, vào Đảng ngày 28/11/1990. Ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐTV EVN từ tháng 3/2015.

Ông Dương Quang Thành ứng cử Đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 7 (gồm các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai)  của TP. Hà Nội.

 

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành

Chương trình hành động của ông Dương Quang Thành trước khi diễn ra bầu cử được cử tri, dư luận đánh giá là cụ thể và gắn liền với đời sống dân sinh.

Cụ thể, với vai trò là Chủ tịch HĐTV EVN, ông Thành luôn tập trung chỉ đạo để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Hiện nay, trên cả nước đã có 99,85% số xã và 98,88% số hộ dân nông thôn có điện.

Riêng trên địa bàn TP. Hà Nội trong 5 năm vừa qua (2011 - 2015), EVN đã hoàn thành đưa vào vận hành trên 1.100 công trình lưới điện trên địa bàn thành phố với vốn đầu tư 16.536 tỷ đồng; 219 xã tham gia chương trình nông thôn mới đều đã đạt tiêu chí số 4 về điện. Nhờ đó, tình hình cấp điện trên địa bàn thành phố được cải thiện rõ rệt, góp phần đưa Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Trong Chương trình hành động của mình, Chủ tịch HĐTV EVN tập trung vào 3 nội dung trọng tâm:

Thứ nhất, thực hiện tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân: Chăm lo cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đại bộ phận nhân dân, trong đó đặc biệt quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần và việc làm của các hộ gia đình chính sách, các hộ nghèo và hộ cận nghèo. Tích cực tham gia ý kiến xây dựng luật, đặc biệt là các vấn đề về quy hoạch, nhà đất, xây dựng, bảo vệ môi trường... Chú trọng củng cố về quốc phòng an ninh. Thực hiện tốt chức năng giám sát; nghiên cứu đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri theo hướng gần dân; xử lý nhanh, hiệu quả, kịp thời thông tin phản ánh của cử tri. 

Thứ hai, lập kế hoạch và thực hiện hiệu quả việc đầu tư lưới điện trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 với nguồn vốn đầu tư lên đến 30.000 tỷ đồng. Cam kết không để xảy ra tình trạng thiếu điện, trong những trường hợp có sự cố cục bộ sẽ tổ chức khắc phục ngay và thông tin đầy đủ đến người dân. Cam kết tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng nông thôn mới đạt 100% số xã trên địa bàn TP.Hà Nội. Trung tâm CSKH (ĐT: 19001288) tiếp nhận mọi yêu cầu của khách hàng về sử dụng điện và xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, EVN sẽ thực hiện các hoạt động an sinh, lắp đặt, sửa chữa điện miễn phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên toàn địa bàn Thành phố.

Thứ ba, sẽ phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết các tồn tại, bức xúc liên quan đến vấn đề giao thông, xử lý rác thải, môi trường và nước sạch như: Vận động các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải kết hợp với phát điện. Kiến nghị với Bộ GTVT, TP.Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông đã quy hoạch. Vận động các nhà đầu tư để xã hội hoá đầu tư hạ tầng giao thông và nước sạch.

Ngoài giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Dương Quang Thành còn là Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ủy viên BCH Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương. Ông được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2013; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2004 và Chiến sĩ Thi đua toàn quốc năm 2005.

Danh sách 30 Đại biểu Quốc hội khóa XIV Thành phố Hà Nội:

1. Đơn vị bầu cử số 1 (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ):

- Nguyễn Doãn Anh- Bộ Tư lệnh Thủ đô

- Trần Thị Phương Hoa - Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội

- Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư

2. Đơn vị bầu cử số 2 (Đống Đa, Hai Bà Trưng):

- Trần Việt Khoa - Học viện Quốc phòng

- Hoàng Văn Cường - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

- Nguyễn Quang Tuấn - Bệnh viện Tim Hà Nội

3. Đơn vị bầu cử số 3 (Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy):

- Đào Tú Hoa - Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội

- Nguyễn Thị Bích Ngọc - Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội

- Nguyễn Phi Thường - Tổng Công ty Vận tải Hà Nội

4. Đơn vị bầu cử số 4 (Hoàng Mai, Thanh Trì, Gia Lâm):

- Dương Minh Ánh - Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội

- Nguyễn Hữu Chính - Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội

- Lê Quân - Đại học Quốc Gia Hà Nội

5. Đơn vị bầu cử số 5 (Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức):

- Đỗ Đức Hồng Hà - Học viện Tư pháp

- Đào Thanh Hải - Công an thành phố Hà Nội

- Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam

6. Đơn vị bầu cử số 6 (Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín):

- Nguyễn Văn Chiến (Nguyễn Chiến) - Đoàn Luật sư Hà Nội

- Trần Thị Quốc Khánh - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

- Nguyễn Thị Lan - Học viện Nông nghiệp Việt Nam

7. Đơn vị bầu cử số 7 (Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai):

- Nguyễn Quốc Bình - Công ty TNHH MTV Hanel

- Nguyễn Quốc Hưng - Tổng cục Du lịch

- Dương Quang Thành - Tập đoàn Điện lực Việt Nam

8. Đơn vị bầu cử số 8 (Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất):

- Nguyễn Văn Được - Hội Cựu chiến binh Việt Nam

- Hoàng Trung Hải - Thành ủy Hà Nội

- Ngọ Duy Hiểu - Huyện ủy Phúc Thọ

9. Đơn vị bầu cử số 9 (Long Biên, Đông Anh):

- Vũ Lưu Thị Mai - Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội

- Phạm Quang Thanh - Tổng công ty Du lịch Hà Nội

- Nguyễn Anh Trí - Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương

10. Đơn vị bầu cử số 10 (Sóc Sơn, Mê Linh):

- Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Chùa Quán Sứ, số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm

- Bùi Huyền Mai - Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội

- Nguyễn Văn Thắng - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam

Nguồn vov.vn