Tham dự buổi gặp mặt còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, các ban Đảng Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đồng chí Dương Quang Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Khẳng định vai trò quan trọng của nền kinh tế
Báo cáo tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW) cho biết: Trong những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Đảng ủy Khối DNTW đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc thực hiện toàn diện các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước trong Khối Doanh nghiệp Trung ương luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Trong 9 tháng năm 2022, các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối tiếp tục duy trì tốt nhịp độ sản xuất kinh doanh, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Tổng doanh thu các tập đoàn, tổng công ty trong Khối ước đạt 1,54 triệu tỷ đồng, tăng 38,86%; lợi nhuận trước thuế của các đơn vị ước đạt 176,9 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8%; nộp ngân sách nhà nước toàn Khối ước đạt 224,6 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo các doanh nghiệp đã báo cáo Chủ tịch nước kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, chuyển đổi số; hoạt động tín dụng ngân hàng; đảm bảo an ninh năng lượng; đảm bảo an ninh lương thực; cung cấp dịch vụ viễn thông…
Báo cáo trước Chủ tịch nước, đồng chí Dương Quang Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Đảng ủy Khối DNTW, thời gian qua EVN đã thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tính đến nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 77.705MW, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á về công suất nguồn điện. Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên đầu người tăng 3,33 lần, từ 686,26 kWh/người (năm 2007) lên 2.287 kWh/người (năm 2021).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu
|
EVN đã đưa 63 trung tâm điều khiển xa vào hoạt động, 762 trạm biến áp không người trực cấp điện áp 110kV - 220kV. Trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN đã triển khai 70,9% công tơ điện tử.
Tính đến tháng 9/2022, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của toàn EVN đã hoàn thành 85,5% khối lượng công việc đề ra.
EVN hoàn thành sớm 4 tháng so với tiến độ giao, về việc thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia để cung cấp 2 dịch vụ là: cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện.
Đặc biệt, EVN đã hình thành và xây dựng hệ sinh thái EVNConnect để kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hệ thống thông tin điều hành của Chính phủ, liên thông, chia sẻ dữ liệu và khai thác các dịch vụ điện với các nền tảng số của các tỉnh/thành phố nhằm giảm thủ tục hành chính, tăng tiện ích, minh bạch trong việc cung cấp dịch vụ điện cho người dân.
Cùng với đó, EVN luôn nêu cao trách nhiệm xã hội, tiên phong thực hiện công tác an sinh xã hội, các chương trình xoá đói, giảm nghèo theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong hai năm phòng chống dịch bệnh COVID-19 (2020 - 2021), EVN và các đơn vị thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa đảm bảo chống dịch bệnh vừa đảm bảo cung cấp điện, cung cấp các dịch vụ điện liên tục trong bối cảnh giãn cách xã hội. Trong thời gian này, EVN đã thực hiện giảm giá điện, tiền điện 5 đợt cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19 với tổng số tiền hỗ trợ là 15.232 tỷ đồng, trong đó ủng hộ Quỹ vắc xin với số tiền hơn 400 tỷ đồng…
Đồng chí Dương Quang Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN báo cáo Chủ tịch nước về một số lĩnh vực liên quan đến an ninh năng lượng
|
Cần phát huy được vai trò chủ đạo của nền kinh tế
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao Đảng ủy Khối DNTW, cấp ủy các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác xây dựng Đảng; đoàn kết, quyết tâm cao, đạt kết quả tốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Vai trò của các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, tập đoàn được coi trọng, phát huy nhưng không làm thay, không buông lỏng kiểm tra giám sát; thực hiện tốt công tác cán bộ, đảm bảo dân chủ cơ sở; quán triệt thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng; luôn quan tâm đến người lao động.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối luôn đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; là công cụ quan trọng để nhà nước thực hiện điều tiết, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô; đóng góp hơn 20% tổng thu ngân sách quốc gia hàng năm và luôn đi đầu trong thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng ủy Khối DNTW trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng; kiện toàn mô hình tổ chức Đảng đảm bảo đồng bộ với quy mô, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp theo phương thức phù hợp. Đảng bộ Khối và Đảng bộ các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ.
Cùng với đó là tăng cường nghiên cứu, phân tích tình hình trong nước và quốc tế, đưa ra dự báo sát thực tiễn để tận dụng cơ hội, giảm rủi ro thách thức, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; nhất là khi đất nước đang trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch thì vai trò của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước càng trở nên quan trọng hơn. Đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục đi đầu trong thực hiện công tác an sinh xã hội, Chủ tịch nước cũng lưu ý cần tách bạch rõ ràng để xác định đúng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Về một số nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, bộ máy điều hành, hệ thống quản trị các doanh nghiệp Nhà nước phải được kiện toàn nâng cấp; áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực đủ tâm và tầm; cải thiện các quy trình, nâng cao tính tự chủ và kỷ luật để tăng năng lực cạnh tranh của tập đoàn, tổng công ty.
Chủ tịch nước cũng lưu ý các doanh nghiệp cần chủ động hội nhập và vươn ra cạnh tranh quốc tế. Vai trò chủ đạo của các tập đoàn là lấy thị trường nội địa làm trọng tâm, làm bàn đạp để vươn mình hội nhập, kết nối với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, doanh nghiệp Nhà nước cần góp phần kiến tạo nền tảng phát triển ở những địa bàn khó khăn, quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn mà tư nhân không muốn đầu tư.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu các tập đoàn tiếp tục góp phần giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh cho nền kinh tế, đặc biệt là an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh; tăng cường đối thoại trực tiếp với người lao động góp phần giải quyết vướng mắc về chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương có:
- 38 đảng bộ trực thuộc (32 đảng ủy cấp trên cơ sở, 1 đảng ủy được thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở, 5 đảng ủy cơ sở)
- Tổng số 1.140 tổ chức cơ sở đảng, 5.902 chi bộ trực thuộc, 87.899 đảng viên.
|
Thu Hiền
Share