Chuyển sang năng lượng xanh: Thách thức lớn của Indonesia

Theo báo cáo mới về Indonesia của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), những lựa chọn mà Indonesia 'đưa ra bây giờ và trong những thập niên tới sẽ có tác động đáng kể đến thị trường năng lượng toàn cầu và nỗ lực toàn cầu nhằm đáp ứng những mục tiêu chung về khí hậu'.

Lấy than làm “động lực” tăng trưởng

Indonesia đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon “vào năm 2060 hoặc trước đó”, một mục tiêu rất tham vọng nếu xét theo tốc độ tăng trưởng dự kiến của quốc gia này và tỷ trọng của than trong cơ cấu năng lượng của nước này. Indonesia hiện là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới và là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 12 trên hành tinh.

IEA cho biết, mức tiêu thụ năng lượng của Indonesia đã tăng gần 60% trong giai đoạn năm 2000-2021. Họ nhấn mạnh ảnh hưởng trọng tâm của than đá đối với sự tăng trưởng này: Lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị năng lượng tiêu thụ đã tăng thêm 1/3 kể từ năm 2000, còn lượng khí thải từ ngành năng lượng đã tăng hơn gấp đôi trong 2 thập niên qua.

“Ngày không xe hơi” ở thủ đô Jakarta

Theo Đánh giá thống kê về Năng lượng Thế giới 2022 của BP, vào năm 2021, than chiếm 39,5% tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Indonesia và 61,4% sản lượng điện của quốc gia đó. Nước này cũng là nước xuất khẩu than lớn trên thế giới.

Tại Indonesia, lượng khí thải CO2 từ ngành năng lượng là gần 600 triệu tấn vào năm 2021, khiến quốc gia này trở thành nước phát thải lớn thứ 9 trên thế giới. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lượng khí thải CO2 bình quân đầu người của Indonesia đạt chưa đến 2 tấn/năm, tức là chưa đến 1/2 mức bình quân của thế giới.

Diễn biến mức tiêu thụ năng lượng tại Indonesia từ năm 2000

Một “lộ trình” để đạt được trung hòa carbon

IEA cảnh báo, để đạt được trung hòa carbon vào năm 2060, Indonesia phải có hành động mạnh mẽ và ngay lập tức. Thách thức lớn của Indonesia là làm sao để giảm phát thải trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh và dân số cao. Trên thực tế, nhiều dự báo của IEA đều minh họa bối cảnh tương lai của nước này: "Từ nay đến năm 2030", người Indonesia có thể trang bị thêm 22 triệu máy điều hòa không khí, số lượng xe ô tô đang lưu thông có thể tăng hơn gấp đôi, còn sản lượng thép toàn quốc có thể tăng thêm 5 triệu tấn.

Theo ước tính của IEA, trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2030, tỷ lệ giảm phát thải của Indonesia có thể lên đến gần 80% nếu nước này cải thiện hiệu quả năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện và điện khí hóa giao thông. Trong kịch bản APS (Announced Pledges Scenario), được cho là tương thích với mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2060, Indonesia cần phải lắp đặt hơn 25 GW công suất điện mặt trời và điện gió vào năm 2030. Còn hiện nay, tổng công suất của những lĩnh vực này chỉ là 0,4 GW.

Ngoài bộ ba "hiệu quả năng lượng - điện khí hóa - năng lượng tái tạo", IEA còn ước tính rằng Indonesia phải triển khai " bổ sung những công nghệ năng lượng sạch" để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060. Như vậy, vào thời điểm đó, gần 190 triệu tấn CO2 - tương ứng tới gần 1/3 lượng khí thải hiện tại của Indonesia, phải được thu giữ hàng năm bằng những công nghệ CCUS (thu giữ, lưu trữ và sử dụng CO2).

Dù vậy, Indonesia vẫn có những tài sản quan trọng để đạt được thành công trong quá trình chuyển dịch năng lượng: Quốc gia này là nước xuất khẩu than lớn trên thế giới, nhưng cũng sở hữu “những nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ” (mặt trời, gió, thủy điện, địa nhiệt và năng lượng sinh học). Indonesia cũng là một trong những nước sản xuất chính những khoáng sản quan trọng và cần thiết cho quá trình chuyển dịch năng lượng.

Link gốc


  • 19/07/2023 09:33
  • Theo petrotimes.vn
  • 4012